Tháng 11, chỉ số sản xuất công nghiệp có dấu hiệu tăng chậm lại

Tính chung 11 tháng của năm 2019, sản xuất công nghiệp vẫn đạt mức tăng khá 9,3% (thấp hơn mức tăng 10% của cùng kỳ năm 2018); trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6%.
Công nhân sản xuất linh kiện điện tử tại Nhà máy Canon có vốn đầu tư Nhật Bản thuộc Khu Công nghiệp Phố Nối A. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Công nhân sản xuất linh kiện điện tử tại Nhà máy Canon có vốn đầu tư Nhật Bản thuộc Khu Công nghiệp Phố Nối A. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2019 có dấu hiệu tăng chậm lại với mức tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2018, thấp nhất kể từ đầu năm 2019 do sụt giảm của ngành khai khoáng và sự giảm tốc của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Tuy nhiên, tính chung 11 tháng của năm 2019, sản xuất công nghiệp vẫn đạt mức tăng khá 9,3% (thấp hơn mức tăng 10% của cùng kỳ năm 2018); trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6%.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 11/2019 ước tính giảm 1,6% so với tháng trước, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó ngành khai khoáng giảm 5,3% (khai thác dầu thô giảm 10,4%; khai thác than tăng 6,6%); chế biến, chế tạo tăng 6,5%, chủ yếu do sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 46,4% và sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 2,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,5%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,3%.

Giải thích nguyên nhân IIP tháng 11 tăng thấp, Tổng cục Thống kê cho biết là do nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn ngừng sản xuất để bảo trì (dự kiến đến hết năm 2019) nên giảm 46,4% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, Samsung Bắc Ninh sản xuất dòng điện thoại thông minh có mức giá từ 3-6 triệu đồng chỉ đạt 400 nghìn chiếc, trong khi cùng kỳ năm trước là 2,6 triệu chiếc khiến sản phẩm này của cả Bắc Ninh và Thái Nguyên trong tháng 11 giảm 28,2% so với cùng kỳ năm trước…

[Tổng cục Thống kê: Khả năng GDP năm 2019 sẽ đạt cao hơn mục tiêu 6,8%]

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra rằng, trong các ngành công nghiệp, một số ngành có chỉ số sản xuất 11 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp.

Đó là sản xuất kim loại tăng 31,7%; khai thác quặng kim loại tăng 24,9%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 24,6%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 14,4%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 12,1%...

Bên cạnh đó, một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm là sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tăng 6,9% (cùng kỳ năm trước tăng 11,9%); sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 6,6%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 2,9% (khai thác dầu thô giảm 7,2%, khai thác khí đốt tự nhiên tăng 1,2%); sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 3%...

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong 11 tháng đầu năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm 2018 là sắt, thép thô tăng 37,5%; xăng, dầu tăng 23,9%; thép thanh, thép góc tăng 20,5%; tivi tăng 14,6%; điện thoại di động tăng 12,3% (điện thoại thông minh tăng 14,2%); vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 11,7%; sơn hóa học tăng 11,2%; thủy hải sản chế biến tăng 10,3%; điện sản xuất tăng 9,5%...

Hiện nay, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp (thời điểm ngày 1/11/2019) tăng 1,5% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 2,7% so với cùng thời điểm năm 2018; trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 2,2%, doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,9%, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 4,4%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục