Thân nhân hành khách chuyến QZ8501 suy sụp trong đau đớn

Thân nhân của các hành khách trên chuyến bay QZ8501 bắt đầu khóc lóc trong đau đớn, thậm chí nhiều người ngất xỉu chiều 30/12 khi truyền hình Indonesia chiếu hình ảnh một thi thể bập bềnh trên biển.
Nỗi đau của thân nhân các hành khách trên máy bay QZ8501 sau khi nhận được thông tin mới về cuộc tìm kiếm máy bay mất tích, tại sân bay quốc tế Juanda ở Surabaya ngày 30/12. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thân nhân của các hành khách trên chuyến bay QZ8501 của AirAsia bắt đầu khóc lóc trong đau đớn, thậm chí nhiều người ngất xỉu chiều 30/12 khi truyền hình Indonesia chiếu hình ảnh một thi thể bập bềnh trên biển trong cuộc tìm kiếm chiếc máy bay này.

Ít nhất có hai người là thân nhân của các nạn nhân đã được đưa đi trên cáng thương từ căn phòng nơi họ đang chờ đợi tin tức từ Surabaya, thành phố lớn thứ hai của Indonesia - nơi chiếc máy bay xấu số cất cánh và rồi mất tích trong cơn bão hôm 28/12.

"Trái tim tôi sẽ tan nát nếu điều đó là sự thực. Tôi sẽ mất một đứa con trai," ông Dwijanto 60 tuổi nói với AFP.

Hơn 48 giờ kể từ khi chiếc máy bay Airbus A320-200 chở theo 162 người tới Singapore bị mất liên lạc, lực lượng cứu hộ đã phát hiện những vật thể trên biển Java mà các quan chức nói xuất phát từ chiếc máy bay. Không lâu sau đó, họ bắt đầu vớt được hàng chục thi thể.

Khi thi thể đầu tiên trôi nổi trên biển được phát trên hàng loạt tin truyền hình, các thân nhân bật khóc và ôm chầm lấy nhau giữa những tiếng kêu gọi xe cứu thương.
 
Một người đàn ông lấy tay che mặt và phải được hai người khác dìu trước khi ông này ngất xỉu và được đưa bằng cáng ra ngoài. Một người phụ nữ khác thì la hét trong khi được thị trưởng Surabaya an ủi.
 
Một nữ nhân viên của hãng hàng không AirAsia thét lên khi nhìn những hình ảnh chiếu trên truyền hình về thi thể đang trôi trong khi khoảng 200 phóng viên bị ngăn không cho vào căn phòng nơi các gia đình thân nhân đang tụ tập, cửa sổ đều bị che kín.
 
"Tại sao lại chiếu hình người chết như thế? Xin đừng chiếu hình một người chết," nhân viên này nói. "Thật là điên rồ."
 
Munif, người đàn ông 50 tuổi có em trai Siti Rahmah trên máy bay, nói rằng trước đó ông đã cố giúp cho các gia đình khác bình tâm.
 
"Nhưng bầu không khí khác hẳn sau khi truyền hình chiếu cảnh một xác chết. Các gia đình trở nên bấn loạn," ông nói. "Vì mọi người đều la hét và khóc lóc, tôi không thể làm gì nên quyết định rời khỏi phòng."
 
Tại Malaysia, gia đình của những người trên chuyến bay MH370 bị mất tích không một dấu vết hồi tháng 3 bày tỏ hy vọng rằng những người thiệt mạng trong thảm họa hàng không mới nhất này ít nhất cũng được an táng tử tế.
 
"Ít nhất các gia đình này giờ đây đã biết kết cục và có thể tĩnh tâm, điều mà tôi cũng mong mỏi," Selamat Omar, người có con trai 29 tuổi trên chuyến bay của hãng hàng không Malaysia Airlines phát biểu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục