Trong một báo cáo mới công bố, Viện Macdonald-Laurier (MLI) - một cơ quan nghiên cứu chính sách độc lập ở Ottawa - đã đưa ra những lập luận phản đối việc Canada tìm kiếm một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc và cho rằng điều đó sẽ “không có triển vọng thành công” vì những bất đồng mang tính nền tảng giữa hai nước liên quan đến các nguyên tắc thị trường cơ bản và luật thương mại quốc tế.
MLI cảnh báo Canada cần "kiểm tra tính thực tế" trong cách tiếp cận của mình đối với một thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc, đặc biệt là tranh cãi về xuất khẩu hạt cải dầu gần đây cho thấy những mâu thuẫn sâu sắc trong chính sách thương mại của Trung Quốc.
Duanjie Chen - thành viên cấp cao của MLI - đã xem xét một số thỏa thuận thương mại tự do mà Trung Quốc ký kết trong những năm gần đây với các quốc gia khác, như Thụy Sĩ, New Zealand, Pakistan, và nhận thấy các thỏa thuận này đều có lợi cho Trung Quốc hơn các đối tác của nước này.
Bà nhận xét Trung Quốc đã trở thành một nhà đàm phán sắc sảo hơn nhiều trong việc đạt được những gì họ muốn từ các đối tác của mình. Theo Chen, một thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc có thể sẽ liên quan đến việc giảm các rào cản cho các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc (SOE) để sở hữu các tài sản ở Canada.
Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc từ lâu đã được biết đến với khả năng sử dụng quyền lực của mình để thực hiện các tham vọng rộng lớn hơn của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Chen cũng xem xét một số hiệp định thương mại mà Trung Quốc đã ký kết trong những năm gần đây và nhận thấy rằng các hiệp định thương mại này phần lớn đều "thiên vị" cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới.
[Canada phản ứng khi Trung Quốc ngừng cấp phép nhập khẩu hạt cải dầu]
Chẳng hạn như Thụy Sĩ đã xóa bỏ thuế quan đối với 99% sản phẩm của Trung Quốc vào ngày ký kết thỏa thuận với nước này, trong khi Trung Quốc chỉ đồng ý dỡ bỏ một phần thuế nhập khẩu với lộ trình từ 5-15 năm.
Báo cáo cho thấy trong tất cả các thỏa thuận thương mại tự do, Trung Quốc đồng ý bảo vệ quyền sở hữu tư nhân đối với tài sản, trong khi hệ thống đất đai tại Trung Quốc chủ yếu do nhà nước sở hữu.
Sự khác biệt cơ bản này trong quyền sở hữu đất đai thúc đẩy các nhà đầu tư Trung Quốc nắm giữ đất đai ở nước ngoài, nhưng lại ngăn cản các đối tác của họ làm điều tương tự ở Trung Quốc.
Các chuyên gia tình báo cảnh báo rằng sự gia tăng ảnh hưởng về địa chính trị của Trung Quốc khiến nước này bất đồng với các cường quốc phương Tây, đặc biệt là trong các hiệp định thương mại tự do.
Các chuyên gia tình báo cũng chỉ ra hiện tượng các SOE của Trung Quốc được tiếp cận tốt hơn ở thị trường nước ngoài, trong khi Bắc Kinh vẫn duy trì các hạn chế nghiêm ngặt đối với hoạt động đầu tư vào tài sản ở Trung Quốc.
Các kế hoạch của Ottawa nhằm tiến tới một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc đã hạ nhiệt kể từ khi Canada bắt giữ Giám đốc tài chính của tập đoàn công nghệ Huawei Mạnh Vãn Châu, theo yêu cầu của Mỹ. Trung Quốc cũng đã bắt giữ 2 công dân Canada, với lý do an ninh quốc gia.
Trung Quốc tiếp tục khiến căng thẳng leo thang khi cấm nhập khẩu hạt cải dầu từ công ty Viterra Inc và Richardson International Ltd của Canada với lý do phát hiện sinh vật gây hại.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đang cân nhắc cử một phái đoàn cấp cao đến Trung Quốc để bàn về vấn đề hạt cải dầu nhằm nỗ lực tháo gỡ lệnh cấm của Trung Quốc.
Ngay sau đó, một số nhà phê bình đã phê phán kế hoạch này của Thủ tướng Trudeau và cho rằng ông đã không nhận ra chiều sâu của sự khác biệt giữa hai quốc gia.
Năm 2017, thâm hụt thương mại của Canada với Trung Quốc đạt 44 tỷ CAD, mức cao nhất trong lịch sử. Hàng hóa thô chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu vào Trung Quốc, trong khi xuất khẩu thiết bị và máy móc chỉ chiếm 9%, một phần do chính sách bảo vệ lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc./.