Tham vọng kết nối Á-Âu của EU qua con mắt báo chí và chuyên gia

Kết nối là thông điệp xuyên suốt của Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) 2018, nhu cầu kết nối buộc EU phải gia tăng sự cam kết của liên minh này đối với khu vực châu Á.
Tham vọng kết nối Á-Âu của EU qua con mắt báo chí và chuyên gia ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Trưởng đoàn ASEM chụp ảnh chung. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 12 (ASEM 12) đã diễn ra từ ngày 18-19/10 tại Brussels (Bỉ) trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động, trọng tâm là cọ xát chiến lược Mỹ-Trung gia tăng, sự thoái lui của Mỹ khỏi các cơ chế đa phương, cũng như những bất đồng trong nội bộ của Liên minh châu Âu (EU).

Hội nghị lần này thể hiện tham vọng vượt qua những thách thức hiện tại của EU nhằm bảo vệ trật tự đa phương quốc tế, kết nối giữa hai lục địa Á-Âu.

Dưới đây là tổng hợp những nhận định của báo chí quốc tế và giới phân tích về tham vọng trên của EU.

Kết nối là thông điệp xuyên suốt của Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) 2018. Nhu cầu kết nối buộc EU phải gia tăng sự cam kết của liên minh này đối với khu vực châu Á.

[ASEM 12: Trung Quốc kêu gọi Á-Âu thúc đẩy kết nối và xây dựng kinh tế]

Nội hàm của kết nối Á-Âu trong chiến lược kết nối của EU là kết nối về cơ sở hạ tầng, năng lượng, số hóa và kết nối về con người. Về hạ tầng, đó là sự kết nối qua đường bộ và đường biển. Kết nối mạng lưới số hóa là thông qua các thiết bị di động hoặc mạng lưới cố định, từ hệ thống dây cáp tới kết nối qua vệ tinh. Kết nối về năng lượng là dòng chảy về khí đốt, khí hóa lỏng, mạng lưới điện, khai thác, sử dụng các loại năng lượng mới. Kết nối về con người là sự hợp tác về giáo dục, nghiên cứu, sáng tạo, đi lại và du lịch.

Dư luận báo chí quốc tế cho rằng kết nối về cơ sở hạ tầng là nền tảng và được xem là sự kết nối quan trọng nhất. Để thực hiện được sự kết nối này, một cơ chế mà EU muốn và có thể phát triển mở rộng là Mạng lưới vận tải châu Âu. Đây vốn là một cơ chế được thành lập từ năm 1991 và hiện đang được mở rộng tới nhiều quốc gia bên ngoài EU.

Về công cụ tài chính, EU có Quỹ Đầu tư Chiến lược châu Âu (EFSI), quỹ này đặt mục tiêu tới năm 2020 sẽ huy động được 500 tỷ euro đầu tư và tới tháng 7/2018 đã có 315 tỷ euro. Tới nay, để tăng cường khả năng kết nối, EU đã chi 21% ngân sách quỹ này cho ngành năng lượng, 11% cho kỹ thuật số, 8% cho vận tải.

Để kết nối về số hóa, cũng trong dịp diễn ra ASEM, EU đã khởi động Cổng kết nối bền vững ASEM - một công cụ trực tuyến cung cấp dữ liệu về mối quan hệ chính trị, kinh tế, xã hội giữa hai châu lục, cụ thể là giữa 30 quốc gia châu Âu, với 19 nước châu Á cùng Australia, New Zealand.

Đáng chú ý là cổng thông tin đã cụ thể hóa mức độ kết nối Á-Âu thông qua bộ chỉ số kết nối, được diễn giải qua 49 chỉ số khác nhau trên các lĩnh vực về kinh tế/tài chính, chính trị, thể chế, nhân dân, hạ tầng...

Trong kế hoạch tài chính của mình, EU dự kiến trong giai đoạn 2014-2020 sẽ đầu tư hơn 8 tỷ euro cho khu vực châu Á. Trong đó, sẽ dành rất nhiều nguồn lực hỗ trợ cho các sáng kiến song phương và đa phương để gia tăng khả năng kết nối. Đó sẽ là các dự án và chương trình như Kế hoạch Kết nối ASEAN hay chương trình giáo dục EURASMUS+.

Trong kế hoạch ngân sách cho giai đoạn 2021-2027, EC đang đề nghị tăng ngân sách cho hoạt động bên ngoài EU lên 123 tỷ euro, tức tăng 30% so với giai đoạn trước.

Kế hoạch kết nối của EU là sự cạnh tranh với sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc. So với BRI, kế hoạch kết nối Á-Âu của EU dựa trên sự bền vững và đồng thuận cao hơn, cũng như dựa trên cách tiếp cận tôn trọng luật pháp quốc tế.

Chiến lược được EU đưa ra trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng của các nước châu Âu trước tham vọng bành trướng kinh tế của Trung Quốc tại châu Âu lục địa thông qua hành động thâu tóm các doanh nghiệp trong những ngành kinh tế chiến lược của châu Âu; trước việc thiếu các tiêu chuẩn về lao động, môi trường, nhân quyền, sự minh bạch và cả chính sách bẫy nợ trong các dự án đầu tư của Trung Quốc trong khuôn khổ BRI; trước động thái nhằm chia rẽ Đông và Tây châu Âu của Trung Quốc thông qua cơ chế hợp tác 16+1 (giữa Trung Quốc với 16 quốc gia Trung, Đông Âu và Balkans).

Theo nhận định của Le Temps, cách thức tiếp cận của EU đảm bảo đem lại lợi ích cho đa số người dân ở các nước, kể cả nước là điểm đầu, quốc gia trung chuyển và quốc gia ở điểm cuối của chuỗi kết nối. Tiêu chí mà kế hoạch hướng tới đó là xây dựng một nền kinh tế phi các-bon hóa (giảm dần sử dụng năng lượng hóa thạch), số hóa, cạnh tranh công bằng, đầu tư và sáng tạo.

Có thể khi xây dựng chiến lược kết nối này, châu Âu không muốn đối chọi công khai với BRI của Trung Quốc, nhưng rõ ràng đây là một lựa chọn kết nối Á-Âu khác mà các nước có thể cân nhắc. Đồng thời, thông qua chiến lược kể trên, EU cũng muốn khẳng định lập trường của liên minh, thể hiện thái độ cân nhắc trước các cam kết với Trung Quốc, và cũng là câu trả lời đối với tham vọng BRI của Bắc Kinh. EU khẳng định vẫn tiếp tục theo đuổi quan hệ đối tác kết nối song phương với Trung Quốc thông qua Cơ chế kết nối EU-Trung Quốc, để tìm kiếm điểm đồng và giải quyết các khác biệt.

Là biện pháp đối phó với chủ nghĩa biệt lập của Mỹ và nỗ lực nhằm bảo vệ trật tự quốc tế đa phương của EU, tuyên bố của Hội nghị khẳng định chủ nghĩa đa phương và trật tự dựa trên luật pháp quốc tế và LHQ là nền tảng của mối quan hệ và hợp tác quốc tế.

Cao ủy EU về an ninh và chính sách đối ngoại Federica Mogherini cũng khẳng định: “Chương trình nghị sự (của hội nghị) ủng hộ chủ nghĩa đa phương.” Sự đồng thuận lớn nhất mà các nước tại hội nghị thượng đỉnh cùng thể hiện chính là sự ủng hộ dành cho chủ nghĩa đa phương.

Việc EU thúc đẩy mạnh hơn các FTA với các đối tác châu Á, đặc biệt là các nước thành viên ASEAN trước (với Việt Nam) và trong khi diễn ra hội nghị (với Singapore) cũng cho thấy mong muốn của EU trong việc mở rộng mạng lưới các quan hệ đối tác kinh tế, cân bằng hơn trong quan hệ với Mỹ.

Tuy nhiên, châu Âu cũng phải đối diện với thách thức lớn đó là nguồn lực thực hiện chiến lược kết nối tham vọng kể trên. EU không thể đủ nguồn lực về kinh tế cũng như ảnh hưởng về chính trị để hoàn toàn thay thế BRI. Do vậy, cách tiếp cận của EU không hoàn toàn mang tính chất đối đầu với Trung Quốc, mà dung hòa. Đó là vừa hợp tác với Trung Quốc, lại vừa kết hợp với Mỹ thông qua chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở cũng như thông qua Kết nối 2025 để bảo vệ lợi ích của EU.

EU cần Trung Quốc trong việc bảo vệ trật tự thương mại tự do, đặc biệt là cải tổ WTO. Tới nay, WTO vẫn là thể chế quốc tế duy nhất cho thấy có khả năng cung cấp một cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế dựa trên luật pháp. Thách thức thứ hai đó là EU đang phải đối mặt đồng thời với nhiều áp lực từ các vấn đề nội bộ khối, từ khủng hoảng nợ, tới chủ nghĩa dân túy, vấn đề Brexit. Những khó khăn nội bộ này sẽ khiến EU thiếu sự thống nhất, đoàn kết cần thiết để triển khai các hành động cương quyết, nhất quán.

Tóm lại, có thể nói dự án kết nối Á-Âu là nội dung nổi bật nhất tại Hội nghị thượng đỉnh ASEM 2018, chiến lược nằm trong khuôn khổ của Chiến lược toàn cầu của liên minh châu Âu thông qua hồi năm 2016. Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có những diễn biến mới, EU đang có nhu cầu lớn hơn trong việc hướng Đông. Những động thái của EU cho thấy liên minh có sự quan tâm lớn đối với khu vực ASEAN trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế. Đây có thể là cơ hội để Việt Nam có thể thắt chặt hơn quan hệ trao đổi thương mại với EU./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục