Chiều 2/11, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã tổ chức cuộc họp tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học về xây dựng Đề án Thông tin đối ngoại Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV (2021-2026).
Chủ trì và phát biểu khai mạc cuộc họp, bà Lê Thu Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho biết thực hiện Chương trình hành động của Đảng Đoàn Quốc hội, nhằm đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới, đồng thời triển khai hiệu quả các mục tiêu chiến lược, trong đó có đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Ủy ban Đối ngoại đã được Đảng Đoàn Quốc hội giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án.
Theo bà Lê Thu Hà, với mục tiêu đánh giá lại toàn bộ thực tiễn công tác thông tin đối ngoại của Quốc hội trong thời gian qua, đối chiếu với kinh nghiệm của quốc tế về công tác thông tin đối ngoại của một số nước, đề án sẽ đưa ra những định hướng, giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin đối ngoại của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XV.
[Nâng cao hiệu quả thông tin đối ngoại ở các cơ quan đại diện Việt Nam]
Đối tượng của đề án là các tầng lớp, thành phần xã hội với trình độ nhận thức, hiểu biết, có mối quan tâm khác nhau đến Việt Nam; trên phạm vi không gian bao phủ ở cả trong nước và nước ngoài.
Đối tượng trong nước là các đại biểu Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương, cán bộ phục vụ cho các cơ quan của Quốc hội, cơ quan nhà nước khác; người nước ngoài sinh sống, học tập, làm việc tại Việt Nam, các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, các hãng thông tấn báo chí, các nhà đầu tư và các tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Đối tượng ngoài nước là các nghị sỹ, Quốc hội các nước, chính giới và truyền thông quốc tế, giới kinh doanh, học giả, nhân dân các nước; người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội bày tỏ mong muốn qua cuộc họp tham vấn xây dựng đề án, Thường trực Ủy ban sẽ nhận được những đóng góp từ các nguyên lãnh đạo Ủy ban, Văn phòng Quốc hội có kinh nghiệm trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội và chuyên gia, nhà khoa học, để hoàn thiện dự thảo Đề án, sớm trình Đảng Đoàn Quốc hội xem xét, ban hành.
Các ý kiến tham gia góp ý cho Đề án tại cuộc họp đều nhấn mạnh sau 10 năm thực hiện Kết luận số 16-KL/TW của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2020-2021, công tác thông tin đối ngoại Quốc hội đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào triển khai thành công các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, kết nối Việt Nam với cộng đồng quốc tế, nghị viện, nghị sĩ các nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, làm cho thế giới hiểu rõ đất nước, con người, lịch sử, văn hóa của dân tộc, những thành tựu của Việt Nam và những đóng góp của Quốc hội Việt Nam trong công cuộc đổi mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, các ý kiến cũng nêu ra những tồn tại, hạn chế đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại Quốc hội, đáp ứng nhu cầu thông tin về Việt Nam, hoạt động và phản bác hiệu quả các thông tin dư luận sai trái về Quốc hội Việt Nam./.