Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, trong thông cáo báo chí do Hội đồng châu Âu công bố hôm 9/12, Liên minh châu Âu (EU) cho rằng quan điểm mà Burundi đưa ra tại cuộc tham vấn không cho phép khôi phục toàn diện mối quan hệ đối tác giữa EU với Cộng hòa Burundi.
Sau cuộc tham vấn với chính phủ Burundi hôm 8/12 ở Brussels, EU cho biết không hài lòng với câu trả lời của phía Burundi liên quan đến cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Phi này.
EU thông báo sẵn sàng áp dụng các biện pháp thích hợp đối với Burundi do chưa nhận được những đảm bảo về tôn trọng nhân quyền, quy tắc dân chủ và Nhà nước pháp quyền từ phía quốc gia này.
Các cuộc tham vấn đã kết thúc và các biện pháp thích hợp sẽ được đề xuất với các cơ quan ra quyết định của EU.
Trong khi chờ đợi việc thông qua các biện pháp thích hợp, biện pháp phòng ngừa có thể được áp dụng liên quan đến các hoạt động hợp tác hiện hành và hạn chế hoạt động hợp tác mới mang tính chất nhân đạo hoặc mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân.
Trước đó, hôm 28/10, Bộ trưởng Ngoại giao Burundi Alain Aimé Nyamitwe đã từ chối việc bị EU "áp đặt" tham vấn.
Ngoại trưởng Burundi nhấn mạnh quốc gia và chính phủ của ông sẵn sàng cải thiện quan hệ với EU, một đối tác quan trọng của Burundi.
Ngoại trưởng Alain Aimé Nyamitwe viện dẫn thỏa thuận Cotonou (thỏa thuận đối tác EU-Nhóm các quốc gia châu Phi, vùng Caribe và Thái Bình Dương-ACP) thúc đẩy quyền và nghĩa vụ của mỗi bên.
Dựa trên cơ sở của mối quan hệ pháp lý này mà Burundi dự kiến đưa ra câu trả lời cho đề nghị của EU.
Trong mọi trường hợp, một bên sẽ không được áp đặt được bên kia về 1 vấn đề. EU không thể đơn phương áp đặt Burundi mà cần phải nói chuyện và thảo luận.
Các cuộc biểu tình tại Burundi từ tháng Tư nhằm phản đối Tổng thống Burundi Pierre Nkurunziza ra tranh cử nhiệm kỳ 3 đã biến thành bạo lực, gây nhiều thương vong. Bất chấp làn sóng biểu tình, ông Nkurunziza đã tái đắc cử hôm 21/7 vừa qua trong cuộc bầu cử bị các đảng đối lập tẩy chay.
Tình trạng bạo lực leo thang đang làm dấy lên lo ngại quốc gia Đông Phi này có thể lại rơi vào nội chiến.
Theo Liên hợp quốc, kể từ cuối tháng Tư, hàng trăm người đã bị thiệt mạng do bạo lực leo thang, hơn 200.000 người đã phải rời bỏ đất nước.
Phản ứng trước tình hình này, Mỹ và EU đã tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Burundi, bao gồm việc cấm các quan chức cấp cao của quốc gia này nhập cảnh./.