Tham vấn chính sách cho cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp

Cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp là một cơ hội lớn đối với các nhà phát triển năng lượng gió và mặt trời trong việc huy động nguồn vốn tư nhân để xây dựng các nhà máy điện gió và mặt trời mới.
Đại sứ Daniel J. Kritenbrink tại hội thảo tham vấn về cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ngày 12/6, tại Hà Nội, đại diện Bộ Công Thương và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink cùng tham dự hội thảo tham vấn cộng đồng giới thiệu đề xuất chính sách của Bộ Công Thương về cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA).

Chính sách mới này sẽ cho phép các doanh nghiệp tại Việt Nam đấu thầu mua điện trực tiếp từ các công ty tư nhân sản xuất năng lượng tái tạo và tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong quá trình xây dựng cơ chế đổi mới, sáng tạo này, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đã tiến hành tham vấn các nhà đầu tư, các định chế tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các công ty con, các nhà sản xuất năng lượng tư nhân và nhiều công ty tiềm năng khác trên thị trường năng lượng nhằm xây dựng thành công chương trình thí điểm hợp đồng mua bán điện trực tiếp.

[Huy động nguồn tài chính quốc tế cho điện gió tại Việt Nam]

Từ năm 2017, Chương trình Năng lượng Phát thải thấp Việt Nam (V-LEEP) của USAID đã hỗ trợ Cục Điều tiết điện lực xác định những điều kiện cần thiết để triển khai chính sách về hợp đồng mua bán điện trực tiếp tại Việt Nam.

Hỗ trợ của USAID được thực hiện theo ba bước, đó là đánh giá về tổ chức và pháp lý; đánh giá và khuyến nghị các mô hình hợp đồng mua bán điện trực tiếp và lộ trình thí điểm cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp nhằm xác định những mô hình phù hợp nhất với Việt Nam.

Sau khi đưa ra khuyến nghị về thiết kế mô hình hợp đồng mua bán điện trực tiếp phù hợp với điều kiện hiện nay của Việt Nam, USAID đang phối hợp chặt chẽ với Cục Điều tiết điện lực xây dựng chương trình thí điểm DPPA để triển khai sau khi có phê duyệt chính thức trong năm nay.

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Kritenbrink nhấn mạnh: “Cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp sẽ cho phép Việt Nam nhanh chóng đạt được các mục tiêu về năng lượng tái tạo thông qua thu hút đầu tư tư nhân và đáp ứng nhu cầu của nhiều doanh nghiệp đang muốn mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.”

Cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp là một cơ hội lớn đối với các nhà phát triển năng lượng gió và mặt trời trong việc huy động nguồn vốn tư nhân để xây dựng các nhà máy điện gió và mặt trời mới và quy mô.

Hiện, hơn 30 doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế thuộc Liên minh Mua Năng lượng Tái tạo Việt Nam (REBA) đã thể hiện sự ủng hộ đối với nỗ lực này, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về dữ liệu chính xác từ thị trường năng lượng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch rủi ro thấp và thúc đẩy cuộc cách mạng năng lượng sạch tại Việt Nam.

Bên cạnh cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp, USAID cũng hỗ trợ Việt Nam trong công tác tăng cường an ninh năng lượng thông qua một loạt các dự án điện gió và điện mặt trời quy mô nối lưới, hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Công Thương trong công tác quy hoạch năng lượng và phối hợp với lĩnh vực tư nhân nhằm gia tăng nguồn tài chính hỗ trợ thực hiện tầm nhìn của Việt Nam về một hệ thống năng lượng sạch và đáng tin cậy trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục