Thăm trang trại cá tra đầu tiên áp dụng tiêu chuẩn châu Âu

Mặc dù giá cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long chưa "quẫy" lên được, song các doanh nghiệp và nông dân nuôi cá tra đang có những địa chỉ sản xuất theo hướng “chuỗi cung ứng bền vững."
Thăm trang trại cá tra đầu tiên áp dụng tiêu chuẩn châu Âu ảnh 1Nuôi cá tra áp dụng công nghệ tiên tiến tại Trại nuôi cá Phú Thuận, Hậu Giang. (Ảnh: Hoàng Thị Hoa/Vietnam+)

Chúng tôi có dịp về Đồng bằng sông Cửu Long trong những ngày đầu năm 2016 khi giá cá tra nguyên liệu vẫn đang ở mức 20.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu “quẫy” lên được.

Với mức giá này, hầu như doanh nghiệp và nông dân chưa có lãi nhưng vùng nuôi đã và đang có những địa chỉ sản xuất cá tra theo hướng “chuỗi cung ứng bền vững."

Ao nuôi theo tiêu chuẩn châu Âu

Tới thăm các ao nuôi của Trại nuôi cá Phú Thuận thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thuận Hưng, (Đại Thành, Phụng Hiệp, Hậu Giang), ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là mỗi ao nuôi rộng khoảng 2.400 mét vuông đều có biển ghi rõ diện tích, số cá, trọng lượng, cỡ và nguồn gốc cá giống.

Xung quanh ao là các thiết bị sục khí, đường nước vào, cống xả nước ra, cũng như thiết bị cho cá ăn tự động được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn. Đến giờ cho ăn, trên bè di động là hai công nhân lần lượt đổ từng bao thức ăn xuống ao, còn trên mặt nước cá đớp mồi, quẫy đuôi đặc kín. Đây là trang trại đầu tiên trong vùng áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến, bền vững theo tiêu chuẩn châu Âu.

Chị Châu Thị Mỹ Dung, quản lý Trại nuôi cá Phú Thuận cho biết, trước đây trại ươm cá giống và nuôi cá thịt theo cách truyền thống, cá ươm từ cá bột lên cá giống chỉ đạt tỷ lệ sống khoảng 7-10%. Tuy nhiên, từ khi áp dụng công nghệ mới, tỷ lệ này đã lên tới 19%. Đến khi chuyển nuôi từ cá giống sang nuôi cá lấy thịt ở ao tiêu chuẩn, tỷ lệ sống đạt 88-90%.

Theo chị Dung, do kích cỡ thức ăn sản xuất vừa miệng cá nên tỷ lệ cá sống cũng đạt cao. Đây là một điều đáng mừng. Bên cạnh đó, trong ao đã sử dụng nhiều máy móc tự động như: Hệ thống sục khí tạo ô-xy, giám sát các chỉ tiêu môi trường tự động như nhiệt độ, ô-xy, độ PH và CO2, thiết bị dẫn thức ăn tự động...

“Với cách ứng dụng này, hệ thống lọc nước tuần hoàn đã giảm thiểu tác động môi trường nước ra bên ngoài, giúp cá lớn nhanh hơn và tạo được lượng ô-xy cao trong ao, giúp cá phát triển nhanh hơn,” chị Dung nói thêm.

Đánh giá về phương thức nuôi cá này, Phó Giáo sư Dương Nhựt Long, Đại học Cần Thơ cho biết, nếu như trước đây thông qua khảo sát điều kiện tự nhiên, tỷ lệ cá sống khi ương cá đạt khoảng 7-10%, thậm chí có những hộ là 0%, nhất là giai đoạn cá hương (cá có độ tuổi từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 20).

Vẫn theo giáo sư Dương Nhựt Long, khi xác định những giải pháp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thì khâu ươm cá giống kết quả rất rõ nét. Từ cá bột lên cá hương, tỷ lệ sống lên gần 25-32%. Tiếp tục giai đoạn cá hương lên cá giống, tỷ lệ sống khoảng 18-19%. Rõ ràng, so sánh với mặt bằng nuôi cá giống khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trung bình là 7%, con số 18-19% là hiệu quả rõ rệt.

“Tỷ lệ cá sống tăng lên đáng kể cũng đồng nghĩa với chi phí giá thành sản xuất ra 1 con giống sẽ giảm và khi chuyển sang hệ thống nuôi thương phẩm chắc chắn chất lượng con cá tra sẽ tốt hơn,” ông Nhựt Long tin tưởng.

Thăm trang trại cá tra đầu tiên áp dụng tiêu chuẩn châu Âu ảnh 2Nuôi cá tra áp dụng công nghệ tiên tiến. (Ảnh: Hoàng Thị Hoa/Vietnam+)

Tiết kiệm năng lượng trong chế biến

Sau quá trình đi thăm ao nuôi, chúng tôi đến Công ty Vĩnh Hoàn tìm hiểu về cách sử dụng hiệu quả năng lượng. Ông Huỳnh Đức Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Hoàn cho biết, nhà máy hiện đang chế biến cá theo hướng tiết kiệm nước và tiết kiệm điện. Sau khi có ý kiến chuyên gia, nhà máy đã lắp lại vòi nước nhỏ hơn chỉ đủ dùng.

Bình thường, nhà máy cần sử dụng nước nóng vệ sinh thiết bị thì sử dụng năng lượng mặt trời, khi nước đạt khoảng 40 độ C thì mới gia nhiệt thêm. Bên cạnh đó là nâng cao ý thức công nhân trong sử dụng điện, nước trong quá trình chế biến...

Để được như vậy, theo ông Trung, bắt đầu từ tháng 3/2014 các chuyên gia tư vấn của Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) trong khuôn khổ dự án SUPA đã đào tạo hướng dẫn công nhân nắm rõ quy trình tiết kiệm năng lượng. Sau ba đợt tư vấn, các chuyên gia xem xét các đối tượng ngoại vi tác động vào giảm thiểu phần tiêu tốn năng lượng trong sản xuất.

Kết quả là, nếu như năm 2013, để chế biến 1 tấn cá nhà máy tiêu tốn 438 KWh điện thì đến năm 2015 đã giảm được 55 KWh/tấn, còn 383 KWh, tiết kiệm được từ 6-10% điện năng. Như vậy có thể thấy rõ, trong năm 2015 nhà máy đã “bỏ túi” được khoảng 6 tỷ đồng do tiết kiệm điện.

Hài lòng vì hiệu quả kinh tế từ những việc làm tiết kiệm trên, nhưng theo ông Trung thì quan trọng nhất là phải làm sao thay đổi suy nghĩ, sự quan tâm từ người lãnh đạo đến người trực tiếp sản xuất để mang lại hiệu quả lâu dài. Phải nói thêm rằng, trong điều kiện giá cá tra đang thấp do bị cạnh tranh ở thị trường ngoài nước nhưng doanh nghiệp này vẫn có những lô hàng chất lượng cao lên đường theo đơn đặt hàng từ châu Âu, cũng là do tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất đặt ra từ những đơn vị nhập khẩu khó tính.

Hướng tới sự bền vững cho vùng nuôi

Để phát triển bền vững cá tra, Dự án Xây dựng Chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam thuộc chương trình SWITCH-Asia đã được triển khai tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long từ tháng 4/2013 và dự kiến kéo dài 48 tháng.

Theo ông Hoàng Thành (Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Hà Nội), sở dĩ châu Âu phê duyệt dự án vì 40% sản lượng cá tra Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Cùng với đó, châu Âu có chương trình thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững ở châu Á (SWITCH-Asia).

Do dự án phù hợp theo tiêu chí và định hướng của châu Âu nên đã được phê duyệt với nguồn tài trợ gần 1,9 triệu euro, bằng 80% ngân sách dự án. Bốn đối tác cùng thực hiện là Trung tâm sản xuất sạch hơn, WWF Áo, WWF Việt Nam, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).

Theo đó, chuỗi cung ứng cá tra được thiết lập từ tiền sản xuất đến sản xuất, chế biến, thương mại và thị trường, cuối cùng là các cửa hàng bán lẻ. Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam là nước sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra bền vững, thân thiện với môi trường, mang lại lợi ích kinh tế và xã hội.

Ông Lê Hoàng Vũ, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Đồng Tháp cho biết, ngoài việc bị cạnh tranh, rồi nguồn nước sông bị cạn, khí hậu thay đổi, nhiệt độ mùa hè nóng và mùa đông lạnh hơn, mưa gió bất thường đã làm cho cá ăn chậm, khiến thời gian nuôi kéo dài, làm tăng giá thành sản xuất cá. Do đó, Đồng Tháp đang hướng tới việc sản xuất cá tập trung vào chiều sâu, không phát triển chiều rộng nữa để đảm bảo chất lượng hơn.

Đồng Tháp cũng đã chọn nuôi cá tra là 1 trong 5 ngành hàng để tái cơ cấu. Tỉnh quy hoạch vùng nuôi cụ thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có vùng nuôi đáp ứng quy định của quốc tế cũng như nhà nhập khẩu.

Trong tái cơ cấu, tỉnh Đồng Tháp cũng quan tâm đến vấn đề chuỗi liên kết, trong đó có liên kết ngang, liên kết dọc như: liên kết nhà máy chế biến sản xuất với nhà máy chế biến thức ăn; liên kết giữa nhà máy chế biến nguyên liệu, nhà máy chế biến thức ăn và cơ sở nuôi để cùng chia sẻ lợi ích, cùng giảm giá thành.

Cho đến nay, hàng trăm nghìn người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang coi cá tra là con làm giàu. Trong điều kiện tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tác động nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, sản xuất cá tra theo chuỗi cung ứng cũng là một giải pháp thích ứng mang tính lâu dài, hướng tới mục tiêu sản xuất bền vững trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục