Thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm

Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp,” cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng Nhân dân tiến hành miễn nhiệm.
Thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm ảnh 1Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Chiều tối 26/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 15 để thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết theo chương trình của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Do vậy, Ủy ban Pháp luật họp toàn thể để thẩm tra dự thảo Nghị quyết này, tạo điều kiện cho Thường trực Ủy ban có thời gian tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo thẩm tra gửi các đại biểu Quốc hội.

Trình bày dự thảo Tờ trình Quốc hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp 23, đến nay dự thảo Nghị quyết đã bổ sung nội dung trách nhiệm của người được lấy phiếu trong triển khai nghị quyết, kết luận về công tác giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, các ban của Hội đồng Nhân dân; kết quả giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; tôn trọng, lắng nghe và nghiên cứu để giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; kết quả thực hiện cam kết và lời hứa (nếu có).

Dự thảo Nghị quyết cũng bổ sung 1 điều quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm để đảm bảo việc thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện khách quan, minh bạch và đúng pháp luật.

[Cần có kênh đo lường sự hài lòng giải quyết kiến nghị của cử tri]

Về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, bà Nguyễn Thị Thanh nêu rõ người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp,” cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng Nhân dân tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Dự thảo Nghị quyết bổ sung quy định về hệ quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người đồng thời giữ nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm, miễn nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ.

Tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ đồng tình với dự thảo Nghị quyết và đề nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng Nhân dân; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành.

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm ảnh 2Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Các đại biểu đề nghị cần thiết hoàn thiện dự thảo Nghị quyết nhằm kịp thời triển khai công tác lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và kỳ họp cuối năm 2023 của Hội đồng Nhân dân các cấp.

Dự thảo Nghị quyết gồm 22 điều, trong đó, so với Nghị quyết số 85/2014/QH13 đã sửa đổi, bổ sung 15 điều và bổ sung 4 điều; có 7 phụ lục trong đó bổ sung 2 phụ lục mới.

Dự thảo Nghị quyết quy định về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng Nhân dân; hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm...

Trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp tại khoản 5 Điều 6 của Nghị quyết số 85/2014/QH13 và thể chế hóa Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị, dự thảo Nghị quyết đã bổ sung 1 điều quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm việc thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện khách quan, minh bạch và đúng pháp luật.

Dự thảo Nghị quyết bổ sung quy định về ngừng hiệu lực thi hành một số luật, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp luật về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Dự thảo Nghị quyết cũng bổ sung quy định sửa đổi khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; sửa đổi khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng không quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục