Chiều 5/3, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hàng hải Việt Nam.
Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hàng hải Việt Nam của Chính phủ cho biết Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005 có ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế quốc dân nói chung và ngành hàng hải nói riêng.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ luật vẫn còn nhiều điều, khoản mang tính chất khung, cần phải có văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể. Hơn nữa, hiện nay đã có nhiều văn bản quy phạn pháp luật mới, có quy định liên quan đên quản lý hoạt động hàng hải nên cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật cho phù hợp, thống nhất.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hàng hải Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung 58/261 điều.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam như Tờ trình của Chính phủ; cơ bản nhất trí với quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc sửa đổi và nhiều nội dung của dự án, nhất là những quy định về bảo vệ thuyền viên và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động trong lĩnh vực hàng hải; bổ sung các quy định nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý; bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải trong giai đoạn tới.
Một số ý kiến đánh giá giao thông vận tải của nước ta còn yếu so với yêu cầu thực tế và tiềm năng của một quốc gia ven biển. Những nội dung sửa đổi, bổ sung được đề xuất trong dự án luật chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành hàng hải ở Việt Nam trong thời gian tới, nhất là trong mối quan hệ với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của đất nước và hội nhập quốc tế.
Vì vậy đề nghị xác định rõ nguyên nhân, lý do tại sao giao thông hàng hải Việt Nam chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng của một quốc gia ven biển. Từ đó, có những sửa đổi lớn về chính sách như xã hội hóa, khai thác tiềm năng, thế mạnh nhằm tạo đột phá cho ngành hàng hải phát triển…
Về phạm vi điều chỉnh, nhiều ý kiến cơ bản nhất trí với việc bổ sung quy định về tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động vào phạm vi điều chỉnh của Bộ luật. Đồng thời, đề nghị rà soát, tổng kết thực tiễn trong thời gian thực hiện Bộ luật hàng hải và kinh nghiệm của các nước trên thế giới để đưa vào phạm vi điều chỉnh những nội dung cần thiết như làm rõ các đặc trưng để phân biệt giữa tàu ngầm, tàu lặn; làm rõ khái niệm về phân luồng hàng hải, về tàu biển và một số khái niệm khác như “ụ nổi” trong lần sửa đổi này để khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.
Về cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải, dự thảo bổ sung quy định “cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, giúp Bộ trưởng Bộ giao thông Vận tải thực hiện quản lý nhà nước về hàng hải trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật”; đồng thời giao “Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải”…
Nhiều ý kiến nhất trí với việc bổ sung như dự thảo Luật nhưng cũng có ý kiến cân nhắc việc bổ sung quy định như tại khoản 2a Điều 8, vì theo quy định của Luật tổ chức Chính phủ thì việc quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này là thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải… /.