Thẩm phán Mỹ ra phán quyết khôi phục chương trình về người nhập cư

Phán quyết là đòn mới nhất giáng vào nỗ lực của chính quyền Trump nhằm ngăn chặn chương trình bảo vệ hàng trăm nghìn người nhập cư vào Mỹ từ khi còn nhỏ, còn gọi là thế hệ "Dreamer."
Người nhập cư ''Dreamer'' tại Annandale, Virginia, Mỹ, ngày 6/3/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 4/12, một thẩm phán liên bang đã ra phán quyết yêu cầu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khôi phục hoàn toàn "Chương trình Hành động trì hoãn trục xuất những người nhập cư trái phép vào Mỹ từ khi còn nhỏ" (DACA).

Phán quyết trên là chiến thắng quan trọng cho các nhóm vận động nhập cư.

Theo phán quyết của Thẩm phán liên bang tại New York Nicholas Garaufis, chương trình DACA từ thời chính quyền cựu Tổng thống Obama sẽ được khôi phục.

Bên cạnh đó, Bộ An ninh Nội địa (DHS) cũng được yêu cầu đăng thông báo công khai vào ngày 7/12 trên trang web của cơ quan này về việc sẽ chấp nhận các đơn xin nhập cư mới. Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 2017 các đơn xin nhập cư lần đầu theo chương trình DACA được chấp nhận.

Theo phán quyết, những người nộp đơn được chấp thuận cũng sẽ nhận được giấy phép làm việc hai năm, trái ngược với giấy phép một năm mà chính quyền đã đề xuất.

[Thẩm phán New York bác kế hoạch thu hẹp chương trình DACA]

Phán quyết này là đòn mới nhất giáng vào nỗ lực của chính quyền Trump nhằm ngăn chặn chương trình bảo vệ hàng trăm nghìn người nhập cư vào Mỹ từ khi còn nhỏ, còn gọi là thế hệ "Dreamer."

Trước đó, vào tháng 6/2020, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết, theo đó chặn nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm chấm dứt chương trình trên. Phán quyết của Tòa án Tối cao cho rằng việc Tổng thống Trump hủy DACA vào năm 2017 là bất hợp pháp.

Thế hệ "Dreamer" vốn được chương trình DACA bảo vệ. Đây là chương trình đã được ông Obama phê chuẩn từ năm 2012. Chương trình này đã cho phép hơn 700.000 người nhập cư xin trì hoãn trục xuất và làm việc hợp pháp nếu đáp ứng được các điều kiện đề ra.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã tuyên bố hoãn áp dụng chính sách này năm 2017 dù theo phán quyết tòa án chính sách này vẫn có hiệu lực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục