Bãi biển Quy Nhơn (Bình Định) thoai thoải, phơi mình trong cái nắng như đổ lửa của mùa hè. Một ngư dân đang cắp rổ, từ chiếc thuyền đánh cá neo đậu gần bờ tiến vào. Thấy khách lạ sáp lại hỏi han, chị chép miệng: “Lại hỏi mua cá mập?”
Quệt vệt mồ hôi trên gò má sạm đen vì nắng gió, chị bảo, vùng đất võ Quy Nhơn mấy ngày nay "nổi sóng," không phải do khơi có bão, mà vì thông tin người dân liên tục bắt được cá mập, khiến thương lái các nơi săn lùng ráo riết.
Đỏ mắt bắt “mối”
Nhiệt tình, người phụ nữ chỉ cho phóng viên Vietnam+ - trong vai một thương gia từ Hà Nội vào Quy Nhơn săn tìm cá mập vài địa chỉ, số điện thoại của các thương lái cá. Bởi, “ngư dân hôm may thì săn được cá mập, hôm rủi thì không nên theo tui, chú cứ tìm đầu nậu là tốt nhất,” chị nói.
Lần theo các số điện thoại của “lái cá” mà người phụ nữ nọ cung cấp, chúng tôi chỉ nhận được những hồi chuông dài, hoặc những câu trả lời “nhầm máy” khi nghe giọng lạ.
Chỉ khi được một cô bạn đồng nghiệp tại Quy Nhơn giúp đỡ, gọi điện đến các số điện thoại nọ bằng chất giọng địa phương, chúng tôi mới được một số đầu nậu cá cho gặp gỡ để thực hiện giao dịch.
Bên quán cafe nhìn ra biển ở đường nội bộ Xuân Diệu, một người phụ nữ chạc độ gần tứ tuần, tên Chi, giọng đon đả: “Các chú mới từ Hà Nội vô hả? Tiếc quá, hôm qua [12/7-PV] mấy ông đi biển bắt được con cá mập trên 200kg, xẻ thịt bán hết veo rồi.”
Theo người đàn bà có thâm niên 20 năm làm nghề buôn bán cá, được mẹ truyền cho từ năm mới 18 tuổi này, người dân Quy Nhơn từ xưa đến nay sáp mặt cá mập thường xuyên. Họ cũng biết cách chế biến, khai thác giống cá sát thủ này phục vụ kinh tế.
Nhưng, việc buôn bán cá mập chỉ thực sự sôi nổi kể từ thời điểm có hiện tượng cá mập cắn người, báo chí loan tin. Thế là, ngày càng có nhiều thương lái đến tìm mua cá mập khiến mặt hàng này trở nên khan hiếm và các đầu nậu cũng trở nên “kiêu” hơn với khách.
Gần đây, báo chí lại đăng tin ngư dân Quy Nhơn câu được cá mập nên các thương lái lại tìm đến để săn mặt hàng này ráo riết. Có người từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh gọi điện đặt hàng, thậm chí còn bay đến Quy Nhơn để “kiểm định” hàng trước khi mua.
Chị bảo, so với mấy con cá mập được đăng trên báo, thì con cá mập vừa bị xẻo thịt, cắt vây nọ nặng đến trên 200kg là hàng “khủng.” “Nếu các chú mua chuyên, tụi tui sẽ cung cấp hàng, giá ưu đãi,” chị Chi nói.
Biết khách có ý định mua nhiều, chị Chi cho thêm địa chỉ của một thương lái khác tên là Lộc ở khu vực đường Phan Chu Trinh. Lập tức, phóng viên Vietnam+ tìm đến nơi. Song thật tiếc là chỉ có người chồng của đầu nậu này ở nhà.
Sau khi nghe mong muốn mua cá mập của khách, người đàn ông nọ lắc đầu quầy quậy, bảo rằng vợ mình đã “giải nghệ” được chục năm nên không còn liên quan đến cá mú. Khách buộc phải đứng dậy ra về, song không quên để lại số điện thoại, phòng ai đó có hàng muốn bán thì nhờ ông ta mách mối.
Thật bất ngờ, chỉ đến tối, điện thoại đổ chuông. Ở đầu dây bên kia là chị Lộc. Người đàn bà này cho hay, chị sẽ bán cho khách đủ loại vây cá tươi, khô với nhiều mức giá tùy mặt hàng. Hiện tại, trong tủ đá ướp lạnh nhà chị có 20kg vây cá mập tươi, được “xà xẻo” từ hai con cá mập nặng tổng cộng trên 400kg.
“Các chú yên tâm, hàng của tui là hàng chuẩn. Tiền nào giá nấy. Đây là lần đầu tiên chúng ta giao dịch! Lần giao dịch sau sau, nếu tin tưởng, các chú chỉ cần alo, tui gửi qua xe khách, chú chuyển tiền qua tài khoản là xong, đỡ chi phí đi lại,” chị Lộc mách kinh nghiệm.
Loại nào cũng có
Thực tế, cái quý nhất của cá mập chính là bộ vây. Do đó, những đầu nậu khi mua cá về thường xẻ thịt cá mập, bán riêng biệt từng loại. Cụ thể, giá thành vây cá mập tươi đổ buôn vào khoảng 2,5 triệu đồng/kg. Còn phần thịt cá mập sẽ được xẻ ra nhiều miếng và đem bán. Nếu như những con cá mập nhỏ, thịt được bán 40.000 đồng/kg, thì những chú cá mập hàng tạ chỉ được bán với giá 25.000 đồng – 30.000 đồng/kg.
Với những ngư dân muốn xẻ thịt cá ra và bán từng phần, họ cũng bán qua đầu nậu với giá rẻ. Qua “cầu” này, những đơn giá trên sẽ được “thổi” thêm từ 5.000 đồng – 10.000 đồng/kg để kiếm lời.
Khi tôi cứ ngỡ thịt cá mập bé sẽ “bổ” hơn thịt cá mập to, thì chị Chi bảo, thương lái bán rẻ là bởi xác cá to, họ muốn bán nhanh bởi không có thiết bị bảo quản. Thông thường vây cá sẽ được bán hết trước tiên. Song, rủi không có người mua, các lái buôn sẽ lọc xương, phơi khô để bán sau. Giá của vây cá khô thông thường đắt gấp mấy lần cá tươi.
Theo những đầu nậu và ngư dân, việc bắt được cá mập lớn tại vùng biển Quy Nhơn không phải là thường xuyên. Tính từ đầu năm đến giờ, chị Chi mới thu gom được 7 con cá mập lớn và chị Lộc cũng vài con [từ 30kg trở lên-pv]. Bởi vậy, một số chủ nậu không dám hứa với khách sẽ cung cấp hàng theo yêu cầu được, mà khi nào có hàng sẽ liên lạc qua điện thoại.
Chị Lộc cho hay, trên thị trường cũng có những loại vây cá mập có nguồn gốc mập mờ từ Trung Quốc. Những loại này chắc chắn chất lượng không bằng của ngư dân và được bán với giá chỉ bằng 2/3, thậm chí là một nửa so với của ngư dân. Và, nếu là người bình thường, không giàu kinh nghiệm thì bằng mắt thường rất khó phân biệt thật, giả.
Một cán bộ của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định cho hay, một số đầu nậu còn có cả mạng lưới chân rết dày đặc. Bởi, nếu chỉ đợi ngư dân Quy Nhơn bắt được cá mập để cắt vây đem bán, thì những đầu nậu này sẽ không đủ cung cấp hàng hóa. Do đó, bộ phận “chân rết” nọ sẽ giúp họ thu gom vây cá mập từ các huyện khác trong tỉnh Bình Định như Tam Quan (huyện Hoài Nhơn), hay của một số thương lái khác ở tỉnh Phú Yên… để phục vụ nhu cầu của thượng đế.
Hiện vẫn chưa "quản"!
Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Ngô Hoàng Nam, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Quy Nhơn, cho hay hiện chưa có lệnh cấm đánh bắt, buôn bán cá mập.
Ông nói, việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản chỉ quy định về kích thước mắt lưới, tránh việc ngư dân đánh bắt thủy sản quá nhỏ. Ngoài ra, việc săn bắt cá mập ở Quy Nhơn không phải là nghề chính của ngư dân, bởi lợi nhuận từ việc này không cao. Ở các vùng biển khác tại Đà Nẵng, Phú Yên…, việc đánh bắt cá mập vẫn diễn ra bình thường. Còn tại Quy Nhơn, do cá mập vào quá gần bờ, lại tấn công khách du lịch nên mới rộ lên hiện tượng này trên báo chí.
Về việc các thương lái thu mua cá mập, rồi tăng giá làm lũng đoạn thị trường, ông Nam cho hay hiện chưa can thiệp vào việc này.
Còn bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, thì cho biết trên thế giới đã có quy định loài cá mập nào được bắt và không được săn bắt. Ở Bình Định đang có đề tài nghiên cứu để thực thi việc này.
Cũng theo bà, trước đây ở Bình Định, câu cá mập thường ở xa chứ không phải gần bờ. Sau này, người dân chuyển sang đi câu cá ngừ và trong quá trình câu thì cá mập có dính mồi. “Ở Bình Định cũng có nghề chế biến các sản phẩm từ cá mập từ lâu đời,” bà nói./.
Bài 1: "Ly kỳ chuyện săn “quái vật” ở vùng biển Quy Nhơn"
Bài tiếp: Thực hư lời đồn vây cá mập chữa bệnh ung thư
Quệt vệt mồ hôi trên gò má sạm đen vì nắng gió, chị bảo, vùng đất võ Quy Nhơn mấy ngày nay "nổi sóng," không phải do khơi có bão, mà vì thông tin người dân liên tục bắt được cá mập, khiến thương lái các nơi săn lùng ráo riết.
Đỏ mắt bắt “mối”
Nhiệt tình, người phụ nữ chỉ cho phóng viên Vietnam+ - trong vai một thương gia từ Hà Nội vào Quy Nhơn săn tìm cá mập vài địa chỉ, số điện thoại của các thương lái cá. Bởi, “ngư dân hôm may thì săn được cá mập, hôm rủi thì không nên theo tui, chú cứ tìm đầu nậu là tốt nhất,” chị nói.
Lần theo các số điện thoại của “lái cá” mà người phụ nữ nọ cung cấp, chúng tôi chỉ nhận được những hồi chuông dài, hoặc những câu trả lời “nhầm máy” khi nghe giọng lạ.
Chỉ khi được một cô bạn đồng nghiệp tại Quy Nhơn giúp đỡ, gọi điện đến các số điện thoại nọ bằng chất giọng địa phương, chúng tôi mới được một số đầu nậu cá cho gặp gỡ để thực hiện giao dịch.
Bên quán cafe nhìn ra biển ở đường nội bộ Xuân Diệu, một người phụ nữ chạc độ gần tứ tuần, tên Chi, giọng đon đả: “Các chú mới từ Hà Nội vô hả? Tiếc quá, hôm qua [12/7-PV] mấy ông đi biển bắt được con cá mập trên 200kg, xẻ thịt bán hết veo rồi.”
Theo người đàn bà có thâm niên 20 năm làm nghề buôn bán cá, được mẹ truyền cho từ năm mới 18 tuổi này, người dân Quy Nhơn từ xưa đến nay sáp mặt cá mập thường xuyên. Họ cũng biết cách chế biến, khai thác giống cá sát thủ này phục vụ kinh tế.
Nhưng, việc buôn bán cá mập chỉ thực sự sôi nổi kể từ thời điểm có hiện tượng cá mập cắn người, báo chí loan tin. Thế là, ngày càng có nhiều thương lái đến tìm mua cá mập khiến mặt hàng này trở nên khan hiếm và các đầu nậu cũng trở nên “kiêu” hơn với khách.
Gần đây, báo chí lại đăng tin ngư dân Quy Nhơn câu được cá mập nên các thương lái lại tìm đến để săn mặt hàng này ráo riết. Có người từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh gọi điện đặt hàng, thậm chí còn bay đến Quy Nhơn để “kiểm định” hàng trước khi mua.
Chị bảo, so với mấy con cá mập được đăng trên báo, thì con cá mập vừa bị xẻo thịt, cắt vây nọ nặng đến trên 200kg là hàng “khủng.” “Nếu các chú mua chuyên, tụi tui sẽ cung cấp hàng, giá ưu đãi,” chị Chi nói.
Biết khách có ý định mua nhiều, chị Chi cho thêm địa chỉ của một thương lái khác tên là Lộc ở khu vực đường Phan Chu Trinh. Lập tức, phóng viên Vietnam+ tìm đến nơi. Song thật tiếc là chỉ có người chồng của đầu nậu này ở nhà.
Sau khi nghe mong muốn mua cá mập của khách, người đàn ông nọ lắc đầu quầy quậy, bảo rằng vợ mình đã “giải nghệ” được chục năm nên không còn liên quan đến cá mú. Khách buộc phải đứng dậy ra về, song không quên để lại số điện thoại, phòng ai đó có hàng muốn bán thì nhờ ông ta mách mối.
Thật bất ngờ, chỉ đến tối, điện thoại đổ chuông. Ở đầu dây bên kia là chị Lộc. Người đàn bà này cho hay, chị sẽ bán cho khách đủ loại vây cá tươi, khô với nhiều mức giá tùy mặt hàng. Hiện tại, trong tủ đá ướp lạnh nhà chị có 20kg vây cá mập tươi, được “xà xẻo” từ hai con cá mập nặng tổng cộng trên 400kg.
“Các chú yên tâm, hàng của tui là hàng chuẩn. Tiền nào giá nấy. Đây là lần đầu tiên chúng ta giao dịch! Lần giao dịch sau sau, nếu tin tưởng, các chú chỉ cần alo, tui gửi qua xe khách, chú chuyển tiền qua tài khoản là xong, đỡ chi phí đi lại,” chị Lộc mách kinh nghiệm.
Loại nào cũng có
Thực tế, cái quý nhất của cá mập chính là bộ vây. Do đó, những đầu nậu khi mua cá về thường xẻ thịt cá mập, bán riêng biệt từng loại. Cụ thể, giá thành vây cá mập tươi đổ buôn vào khoảng 2,5 triệu đồng/kg. Còn phần thịt cá mập sẽ được xẻ ra nhiều miếng và đem bán. Nếu như những con cá mập nhỏ, thịt được bán 40.000 đồng/kg, thì những chú cá mập hàng tạ chỉ được bán với giá 25.000 đồng – 30.000 đồng/kg.
Với những ngư dân muốn xẻ thịt cá ra và bán từng phần, họ cũng bán qua đầu nậu với giá rẻ. Qua “cầu” này, những đơn giá trên sẽ được “thổi” thêm từ 5.000 đồng – 10.000 đồng/kg để kiếm lời.
Khi tôi cứ ngỡ thịt cá mập bé sẽ “bổ” hơn thịt cá mập to, thì chị Chi bảo, thương lái bán rẻ là bởi xác cá to, họ muốn bán nhanh bởi không có thiết bị bảo quản. Thông thường vây cá sẽ được bán hết trước tiên. Song, rủi không có người mua, các lái buôn sẽ lọc xương, phơi khô để bán sau. Giá của vây cá khô thông thường đắt gấp mấy lần cá tươi.
Theo những đầu nậu và ngư dân, việc bắt được cá mập lớn tại vùng biển Quy Nhơn không phải là thường xuyên. Tính từ đầu năm đến giờ, chị Chi mới thu gom được 7 con cá mập lớn và chị Lộc cũng vài con [từ 30kg trở lên-pv]. Bởi vậy, một số chủ nậu không dám hứa với khách sẽ cung cấp hàng theo yêu cầu được, mà khi nào có hàng sẽ liên lạc qua điện thoại.
Chị Lộc cho hay, trên thị trường cũng có những loại vây cá mập có nguồn gốc mập mờ từ Trung Quốc. Những loại này chắc chắn chất lượng không bằng của ngư dân và được bán với giá chỉ bằng 2/3, thậm chí là một nửa so với của ngư dân. Và, nếu là người bình thường, không giàu kinh nghiệm thì bằng mắt thường rất khó phân biệt thật, giả.
Một cán bộ của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định cho hay, một số đầu nậu còn có cả mạng lưới chân rết dày đặc. Bởi, nếu chỉ đợi ngư dân Quy Nhơn bắt được cá mập để cắt vây đem bán, thì những đầu nậu này sẽ không đủ cung cấp hàng hóa. Do đó, bộ phận “chân rết” nọ sẽ giúp họ thu gom vây cá mập từ các huyện khác trong tỉnh Bình Định như Tam Quan (huyện Hoài Nhơn), hay của một số thương lái khác ở tỉnh Phú Yên… để phục vụ nhu cầu của thượng đế.
Hiện vẫn chưa "quản"!
Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Ngô Hoàng Nam, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Quy Nhơn, cho hay hiện chưa có lệnh cấm đánh bắt, buôn bán cá mập.
Ông nói, việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản chỉ quy định về kích thước mắt lưới, tránh việc ngư dân đánh bắt thủy sản quá nhỏ. Ngoài ra, việc săn bắt cá mập ở Quy Nhơn không phải là nghề chính của ngư dân, bởi lợi nhuận từ việc này không cao. Ở các vùng biển khác tại Đà Nẵng, Phú Yên…, việc đánh bắt cá mập vẫn diễn ra bình thường. Còn tại Quy Nhơn, do cá mập vào quá gần bờ, lại tấn công khách du lịch nên mới rộ lên hiện tượng này trên báo chí.
Về việc các thương lái thu mua cá mập, rồi tăng giá làm lũng đoạn thị trường, ông Nam cho hay hiện chưa can thiệp vào việc này.
Còn bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, thì cho biết trên thế giới đã có quy định loài cá mập nào được bắt và không được săn bắt. Ở Bình Định đang có đề tài nghiên cứu để thực thi việc này.
Cũng theo bà, trước đây ở Bình Định, câu cá mập thường ở xa chứ không phải gần bờ. Sau này, người dân chuyển sang đi câu cá ngừ và trong quá trình câu thì cá mập có dính mồi. “Ở Bình Định cũng có nghề chế biến các sản phẩm từ cá mập từ lâu đời,” bà nói./.
Bài 1: "Ly kỳ chuyện săn “quái vật” ở vùng biển Quy Nhơn"
Bài tiếp: Thực hư lời đồn vây cá mập chữa bệnh ung thư
Trung Hiền (Vietnam+)