Thăm nhà dài - cảm nhận nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Ê Đê

Đến với thành phố Buôn Mê Thuột, du khách được thưởng thức một loại hình du lịch mới lạ của dân tộc Ê Đê ở buôn Kô Sia (phường Tân Lập) đó là ghé thăm nhà dài.

Đến thành phố Buôn Mê Thuột du khách được thưởng thức một loại hình du lịch mới lạ của dân tộc Ê Đê ở buôn Kô Sia (phường Tân Lập) là thăm nhà dài và thưởng thức những nét văn hóa đặc sắc được người dân nơi đây bảo tồn qua hàng nghìn năm.

Trước đây buôn Kô Sia là một buôn nhỏ của người Ê Đê với những nếp nhà dài êm đềm và là một trong bốn buôn cổ hình thành nên thành phố Buôn Mê Thuột ngày nay. Khi thành phố được mở rộng, buôn Kô Sia nay thuộc phường Tân Lập đã bị đô thị hóa và mất dần những nét văn hóa của người Ê Đê.

Trước thực trạng đó, cách đây hơn 10 năm, già làng Ma Len tập hợp những người cao tuổi trong buôn lập nên đội cồng chiêng buôn Kô Sia nhằm truyền lại cho thế hệ trẻ ở buôn cách thức đánh cồng chiêng - nét văn hóa đặc sắc của người Ê Đê ở Tây Nguyên.

Nhớ lại thời kỳ đó, già làng Ma Len cho biết :“Người Ê Đê ở Buôn Kô Sia chúng tôi thèm nghe tiếng cồng chiêng như con suối thèm nước vào mùa Tây Nguyên khô khát. Từ khi chúng tôi mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho giới trẻ, tiếng chiêng được vang lên mỗi tối ở nhà dài át đi tiếng loa đài ngoài phố lũ, làng như được giải cơn khát âm thanh của đại ngàn."

Cây nêu trừ tà và mang những điều may mắn cho du khách đến thăm nhà dài Ê Đê.
Thưởng thức tiếng khèn đinh tắt tà, câu hát truyền thống của bà con dân tộc Ê Đê.
Đội cồng chiêng buôn Kô Sia biểu diễn những âm điệu của núi rừng Tây Nguyên trong nhà dài.
Nghệ nhân của đội cồng chiêng buôn Kô Sia biểu diễn kỹ thuật đánh cồng chiêng.
Nhà dài ở buôn Kô Sia là nơi sinh hoạt văn hóa của một trong các đội cồng chiêng nổi tiếng nhất Tây Nguyên.

Ban đầu lớp cồng chiêng được dạy tại nhà dài của già làng Ma Len thu hút sự tò mò của người dân thành phố và khách du lịch. Có rất nhiều du khách nước ngoài hằng tối đến tận buôn Kô Sia để nghe và xem các nghệ nhân dạy hát và đánh cồng chiêng cho lớp trẻ.

Từ khi Đội cồng chiêng buôn Kô Sia hoạt động có hiệu quả, những thế hệ trẻ đã biết đánh cồng, chiêng và tích cực tham gia các hội diễn văn hóa do tỉnh Đắc Lắc và khu vực Tây Nguyên tổ chức thì địa danh buôn Kô Sia đã nổi tiếng trong vùng.

Cách đây ba năm, Sở văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắc Lắc có đến đặt vấn đề với già làng Ma Len và Đội cồng chiêng buôn Kô Sia tổ chức giới thiệu văn hóa của người Ê Đê dành cho khách du lịch. Theo đó, các công ty du lịch, lữ hành cũng liên hệ để phát triển tour tại buôn Kô Sia để làm đa dạng các loại hình du lịch ở Tây Nguyên.

Từ khi buôn Kô Sia phát triển du lịch, đời sống đồng bào Ê Đê nơi đây được cải thiện rõ rệt. Ông Aê Yon ở Kô Sia cho biết rằng :“Buôn chúng tôi giờ chuyên môn hóa trong việc phát triển du lịch. Này nhé, đàn bà con gái thì chuẩn bị các món ẩm thực truyền thống của người Ê Đê để du khách thưởng thức, đám thanh niên thì thành lập đội hát dân ca, sử thi còn lớp người gia chúng tôi thì đánh cồng, chiêng trong nhà dài."

Hiện nay, hằng tuần buôn Kô Sia đón hằng chục đoàn khách đến để thưởng thức âm thanh cồng chiêng và những nét văn hóa đặc sắc của người Ê Đê. Mỗi đêm tại nhà dài ở buôn Kô Sia du khách được các nghệ nhân và lũ làng phục dựng lại các lễ hội truyền thống như: Lễ lúa mới, lễ đầu năm, lễ hội cầu mùa, lễ đẻ đất, đẻ nước...

Du khách đến thăm nhà dài ở buôn Kô Sia thưởng thức các điệu dân ca dân vũ truyền thống của người Ê Đê.
Các món ăn đặc trưng của người Ê Đê được chuẩn bị kỹ lưỡng để đón khách.
Cùng nhau thưởng thức những ché rượu cần...
...và giao lưu cùng với bà con dân tộc Ê Đê trong những vũ điệu, câu hát ngân vang.

Tại nhà dài của già làng Ma Len chúng tôi gặp đoàn khách là những sinh viên khoa Phương đông học của trường Khoa học Xã hội và Nhân văn đang hứng thú nghe những điệu dân ca mượt mà của người Ê Đê.

Sinh viên Nguyễn Tuấn Hùng chia sẻ rằng :" Em đang tìm hiểu về văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên để làm đề tài tốt nghiệp. Tại đây, nghe và xem các nghệ nhân đánh cồng chiêng, nghe hát dân ca em như thấy được văn hóa cả Tây Nguyên gói gọn trong nhà dài."

Nói về sự hiệu quả của buôn Kô Sia trong công tác phát triển du lịch, Ông Nguyễn Minh Đức, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Tân Lập cho biết :"Sản phẩm khách nhà dài ở buôn Kô Sia đã trở thành một loại hình du lịch đặc sắc của địa phương chúng tôi. Thông qua sản phẩm du lịch khách nhà dài, người Ê Đê có cơ hội quảng bá văn hóa với bè bạn quốc tế và quan trọng hơn, chúng tôi đã thành công trong việc bảo tồn văn hóa gắn với việc phát triển kinh tế."./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục