Số liệu của Cơ quan thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 7/11 cho biết thâm hụt thương mại của Anh trong tháng Chín vừa qua tăng lên 9,8 tỷ bảng so với 8,9 tỷ bảng của tháng Tám.
Thâm hụt thương mại nới rộng hơn mức dự báo 9,4 tỷ bảng của các nhà kinh tế trước đó được cho là do nhu cầu từ các đối tác thương mại chính của Anh tại châu Âu giảm, trong khi London tăng nhập khẩu dầu từ các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU). Cụ thể, trong tháng Tám, kim ngạch nhập khẩu của Anh tăng 1,8 tỷ bảng lên gần 34 tỷ bảng, trong khi xuất khẩu tăng 1 tỷ bảng lên 24 tỷ bảng.
Theo nhà kinh tế Alan Clarke thuộc Ngân hàng Scotiabank, tình hình nhập khẩu tăng mạnh hơn xuất khẩu vẫn sẽ tiếp tục trong thời gian tới và kim ngạch thương mại ròng sẽ đóng góp rất ít vào tăng trưởng của Anh.
Ông Clarke nhận định nền kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn từ Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) khiến nhu cầu của người tiêu dùng và giới doanh nghiệp khu vực này sút giảm. Anh chỉ có cách đợi Eurozone phục hồi trở lại hoặc cố gắng tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới.
Trong quý ba vừa qua, thâm hụt thương mại của Anh đã tăng thêm 900 triệu bảng lên 29 tỷ bảng, sau khi kim ngạch xuất khẩu giảm 300 triệu bảng nhưng nhập khẩu tăng 600 triệu bảng.
Đây cũng là quãng thời gian Anh có mức thâm hụt lớn nhất từ trước đến nay với Đức trong bối cảnh tình hình kinh tế của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này sút giảm. Cùng lúc, thặng dư thương mại của Anh với Mỹ đạt mức thấp nhất trong gần tám năm.
Tuy nhiên, tin vui cho Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne, người từng nhiều lần bày tỏ tham vọng tái cân bằng nền kinh tế từ chỗ dựa chủ yếu vào chi tiêu tiêu dùng hiện nay sang xuất khẩu nhiều hơn, là vị thế thương mại của Anh với Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) đã có cải thiện./.