Ngày 29/12, Ngân hàng trung ương Brazil thông báo thâm hụt ngân sách của nước này trong 11 tháng năm nay đã vượt 10 tỷ USD, mức kỷ lục từ trước tới nay và tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm ngoái, thâm hụt ngân sách của Brazil cũng đã phá kỷ lục, buộc Chính phủ nước này phải áp dụng chính sách "thắt lưng buộc bụng" vào đầu năm nay và tăng thuế. Tuy nhiên, trong gói chính sách cắt giảm chi tiêu do Chính phủ của Tổng thống Dilma Rousseff đề xuất cho năm nay, Quốc hội chỉ thông qua một phần và những chính sách này đã không giúp giảm các khoản chi tiêu công.
Chính phủ Brazil cho rằng tình trạng suy thoái của nền kinh tế ảnh hưởng đáng kể tới việc thu thuế là một trong những nguyên nhân làm tăng thâm hụt ngân sách ở nước này.
Mức thâm hụt ngân sách của Brazil năm nay dự kiến sẽ ở mức tương đương 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), lớn hơn rất nhiều so với mục tiêu mà chính phủ đề ra là 1,1% và sau khi trả lãi sẽ lên tới 9,3% GDP cao hơn mức 6,7% của năm 2014, mức cao nhất kể từ năm 2002.
Với khoản thâm hụt ngân sách trên, nợ công của Brazil hiện tương đương 65,1% GDP, mức cao nhất kể từ năm 2006 tới nay và tăng 8% so với cuối năm 2014.
Theo thống kê chính thức, tăng trưởng kinh tế trong quý 3 vừa qua của Brazil đã giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức 1,3% theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế.
Trong chín tháng đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế của nước này giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2014, mức giảm mạnh nhất trong 19 năm qua. Các chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế Brazil sẽ giảm 3,19% trong năm nay và sẽ tăng trưởng âm 2,04% trong năm 2016. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là đợt suy thoái tồi tệ nhất của nền kinh tế số một Mỹ Latinh trong 85 năm qua kể từ cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước.
Hãng xếp hạng tín dụng Fitch của Mỹ mới đây đã hạ mức dự báo về triển vọng đầu tư của Brazil từ mức "BBB-" xuống mức "BB+" do lo ngại tình hình kinh tế, tài chính tồi tệ và khủng hoảng chính trị ở quốc gia này đe dọa khả năng thanh toán nợ. Trước đó, đầu tháng Chín vừa qua, một hãng xếp hạng tín dụng khác của Mỹ là Standard & Poor's (S&P) cũng đã "đánh tụt" xếp hạng tín nhiệm của Brazil xuống mức rủi ro vì những lý do tương tự./.