Thảm họa vỡ sông băng ở Ấn Độ, hàng trăm người thiệt mạng và mất tích

Lực lượng cứu hộ đang làm việc ngày đêm để tìm kiếm những người còn mất tích sau vụ vỡ sông băng, trong đó đa số là các công nhân làm việc trong hai dự án thủy điện ở Uttarakhand.

Lực lượng cứu hộ Ấn Độ đang làm việc ngày đêm để tìm kiếm những người còn mất tích sau thảm họa vỡ sông băng gây lũ lụt kinh hoàng ở khu vực núi Himalaya.

Theo thống kê, đã có ít nhất 26 người thiệt mạng và còn khoảng 171 người đang mất tích. Phần lớn trong số những người mất tích được cho là công nhân làm việc cho dự án đập thủy điện Rishiganga trên sông Alaknanda ở bang này và người dân địa phương.

Mặc dù vậy, nhà chức trách cho rằng khả năng những người này còn sống sót là không cao.

Trước đó, cảnh sát Ấn Độ ước tính có tới hơn 200 người mất tích trong vụ lũ quét này, phần lớn là công nhân làm việc trong hai dự án đập thủy điện Rishiganga trên sông Alaknanda ở bang này và người dân địa phương. Một số người đã bị mắc kẹt trong hai đường hầm do lũ quét kéo theo đất đá đã lấp đường hầm.

[Vỡ sông băng ở Ấn Độ: Tìm thấy 28 thi thể, 178 người vẫn mất tích]

 Bang Uttarakhand của Ấn Độ nằm dưới chân dãy núi Himalaya là nơi rất hay xảy ra lũ quét và lở đất. Hồi tháng 6/2013, mưa to kỷ lục đã gây ra trận lũ khủng khiếp khiến 6.000 người tại bang này thiệt mạng.

Thảm họa vỡ sông băng vừa qua xảy ra sau khi một phần của sông băng Nanda Devi trên dãy Himalaya tan chảy, gây ra lũ quét và phá hủy con đập Rishiganga trên sông Alaknanda, bang Uttarakhand của Ấn Độ. Dòng lũ đã cuốn phăng nhiều phần của con đập cũng như bất kỳ thứ gì trên đường đi của lũ.

Thảm họa này đã tạo ra bức tường nước tràn xuống thung lũng ở bang Uttarakhand, phá hủy đường sá và những cây cầu, đồng thời phá sập hai nhà máy thủy điện.. Thảm họađược giới truyền thông ví là "sóng thần Himalaya."

Theo giới chuyên gia, vụ việc xảy ra trên sông băng Dhauliganga - con sông đổ vào sông Hằng - là thảm họa thiên nhiên đã được lường trước và nhiều khả năng sẽ lại tái diễn tại khu vực vốn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng biến đổi khí hậu và sự phát triển cơ sở hạ tầng không được kiểm soát chặt chẽ.

Nhiệt độ cao hơn đang khiến các dòng sông băng vốn "nuôi dưỡng" những con sông này bị thu hẹp lại, đe dọa nguồn cung cấp nước và làm gia tăng nguy cơ sạt lở đất và lũ lụt, trong khi các nhà hoạt động vì môi trường đổ lỗi rằng công tác xây dựng đập thủy điện và ô nhiễm đã gây thiệt hại cho hệ sinh thái và ảnh hưởng đến tình trạng sông băng.

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân cụ thể nào đã dẫn đến vụ vỡ sông băng trên, nhưng nhiều dư luận cho rằng việc xây dựng các dự án thủy điện tại một khu vực có hoạt động địa chấn cao là yếu tố chính gây nên thảm họa này./.

(Vietnam+)