Hội Chữ Thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) ngày 16/12 cho biết trong năm 2020, số vụ thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cao ở mức kỷ lục, đang ảnh hưởng tới hàng chục triệu người dễ bị tổn thương vốn đã chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo IFRC, tại khu vực dễ bị thảm họa nhất trên thế giới này, tổ chức này đã ứng phó với 24 cuộc khủng hoảng liên quan tới biến đổi khí hậu trong năm nay, tăng so với 18 cuộc khủng hoảng trong năm 2019, trong đó có lũ lụt, siêu bão, đại hàn và hạn hán.
Giám đốc Trung tâm Khí hậu thuộc IFRC, Maarten van Aalst cho biết đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm các tác động này, không chỉ gây khó khăn thêm cho các hoạt động sơ tán và ứng phó với thảm họa, mà còn làm trầm trọng thêm tác động kinh tế do thảm họa gây ra, nhất là đối với những người nghèo nhất.
Đông Nam Á là khu vực mà IFRC hoạt động nhiều nhất trong năm 2020, với 15 ứng phó khẩn cấp, như lũ lụt nghiêm trọng, bão tố và lở đất, ảnh hưởng tới hơn 31 triệu người. Theo Giám đốc phụ trách các hoạt động cứu trợ khẩn cấp của IFRC, Jess Letch, hoạt động viện trợ giúp đỡ các cộng đồng nơi đây trong khi cũng phải áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 là thách thức rất lớn.
[Thiên tai gây thiệt hại 150 tỷ USD trên toàn cầu trong năm 2019]
Mary Joy Gonzales, nhà quản lý dự án ứng phó của tổ chức CARE tại Philippines, cho biết cơ quan viện trợ của cô đã phải cung cấp thêm nơi tạm trú để thực hiện giãn cách xã hội sau khi một người tại một trung tâm sơ tán mắc COVID-19. Biến đổi khí hậu gây ra bão, lũ lụt làm trầm trọng thêm những tác động do dịch COVID-19 gây ra đối với người dân nơi đây. Bà cho biết trong 10 năm qua, tại Philippines bão trở nên mạnh hơn và khiến hàng nghìn người thiệt mạng.
Theo báo cáo mới nhất của IFRC mang tên Thảm họa thế giới, trong năm 2019, hơn 94 triệu người ở châu Á-Thái Bình Dương chịu tác động của các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra, khiến IFRC tăng gấp đối hoạt động ứng phó khẩn cấp tại khu vực này so với ở châu Mỹ hay châu Phi. Với dân số chiếm khoảng 60% dân số thế giới, châu Á-Thái Bình Dương là khu vực hứng chịu các thảm họa do biến đổi khí hậu, với nhiều người dân đang sống trong những điều kiện dễ bị tổn thương do nghèo đói và quy hoạch đô thị sơ sài.
Mặc dù vậy, ông van Aalst cho rằng các nước trong khu vực này đang có sự chuẩn bị và trang bị tốt hơn để bảo vệ người dân. Ví dụ, trước khi siêu bão Amphan đổ bộ vào Ấn Độ và Bangladesh hồi tháng 5/2020, giới chức các nước này đã tiến hành sơ tán hàng loạt, góp phần làm giảm số người thiệt mạng do bão gây ra. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh tác động của bão Amphan đối với kinh tế vẫn trầm trọng, nhất là đối với người nghèo nhất, với tổng thiệt hại ước tính lên tới hơn 13 tỉ USD./.