Thảm họa nhân đạo sẽ xảy ra nếu hòa bình ở Afghanistan sụp đổ

Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, ông Filippo Grandi cảnh báo: “Nếu nỗ lực hòa bình này sụp đổ, chúng ta sẽ chứng kiến một thảm họa nhân đạo lớn ở Afghanistan."
Người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, ông Filippo Grandi (Nguồn:Neweurope.eu)

Nếu tiến trình hòa bình ở Afghanistan sụp đổ và bạo lực tiếp tục diễn ra, điều này sẽ dẫn đến một thảm họa nhân đạo, khi hàng nghìn người phải vật lộn để sống sót qua đại dịch COVID-19 và mùa Đông khắc nghiệt. Trên đây là cảnh báo của người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn - ông Filippo Grandi đưa ra ngày 17/11 trước tình hình an ninh bất ổn tại quốc gia Tây Nam Á này.

Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, ông Grandi nhấn mạnh: “Nếu nỗ lực hòa bình này sụp đổ, chúng ta sẽ chứng kiến một thảm họa nhân đạo lớn ở Afghanistan."

Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh trong những tháng gần đây, Afghanistan đối mặt với tình trạng bạo lực và sự hỗn loạn gia tăng, bất chấp việc các nhà đàm phán của chính phủ và lực lượng Taliban nỗ lực hòa đàm tại Qatar.

[Tổng thống Trump ra lệnh rút 2.500 binh lính Mỹ khỏi Afghanistan, Iraq]

Trong khi đó, cùng ngày, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chris Miller thông báo Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cho Lầu Năm Góc cắt giảm quân số Mỹ tại Afghanistan từ 4.500 xuống 2.500. Đây sẽ là mức quân số thấp nhất của Mỹ ở Afghanistan trong gần hai thập kỷ chiến tranh.

Các nhà phân tích cho rằng hành động rút quân này sẽ làm suy yếu an ninh vốn đã mong manh tại Afghanistan cũng như gây tổn hại tới hòa đàm nội bộ giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban. Bên cạnh đó, các điều kiện trên thực tế không đảm bảo cho việc rút quân khỏi đây khi Taliban đã không duy trì thỏa thuận với Mỹ về hòa bình ở quốc gia này.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 17/11, Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh, Mỹ và một số quốc gia đã công bố 10 điều kiện để tiếp tục chương trình hỗ trợ phát triển của họ cho Afghanistan.

Theo phóng viên Thông Tấn Xã Việt Nam tại Brussels, trong số các bên cùng ký kết văn kiện này còn có Australia, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển. EU và các quốc gia kể trên cung cấp khoảng 80% tổng hỗ trợ phát triển dành cho Afghanistan. Bên cạnh việc tái khẳng định sẵn sàng hỗ trợ chính phủ và người dân Afghanistan, các bên ký kết cũng phác thảo 10 yếu tố quan trọng hàng đầu cần tính đến khi xem xét tiếp tục giúp đỡ phát triển và hỗ trợ ngân sách cho Afghanistan.

Năm điều kiện đầu được các nhà tài trợ nêu ra là một tiến trình hòa bình toàn diện do người Afghanistan lãnh đạo và làm chủ, được xây dựng dựa trên những thành tựu đã đạt được kể từ năm 2001; một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và toàn diện; cam kết về dân chủ, pháp quyền và nhân quyền; tuân thủ nguyên tắc hòa bình trong đàm phán, thỏa thuận và thực thi; và triển khai chống tham nhũng một cách thực tế và có thể kiểm chứng.

Các điều kiện tiên quyết khác bao gồm: vấn đề tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế của Afghanistan, trong đó có các nghĩa vụ liên quan an ninh của các cơ quan đại diện nước ngoài; cam kết với các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ; và các cam kết của chính phủ và Taliban nhằm ngăn chặn các nhóm khủng bố quốc tế sử dụng lãnh thổ Afghanistan để đe dọa an ninh của các quốc gia khác cũng như các cam kết của họ trong cuộc chiến chống buôn bán ma túy và buôn người.

Ngoài ra, các nhà tài trợ nước ngoài nhấn mạnh rằng bất kỳ chính phủ nào trong tương lai cũng phải tuân theo phương châm cùng chia sẻ trách nhiệm giữa Afghanistan và các đối tác tài trợ quốc tế. Các tổ chức nhân đạo và phát triển cũng phải được tiếp cận một cách an toàn và không bị cản trở với những đối tượng cần được giúp đỡ mà “không phải chịu bất kỳ khoản thuế hay phí bất hợp pháp nào”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục