Thảm họa La Pán Tẩn chính thức được khép lại chiều 14/9 bằng lệnh rút quân của lực lượng cứu hộ cứu nạn sau gần 8 ngày ròng rã. Mặc dù vậy, vòng luẩn quẩn về cái đói nghèo và những thảm kịch tương tự vẫn không thôi ám ảnh những người có trách nhiệm. Những đối tượng nào đang lợi dụng bà con người Mông xung quanh khu vực các mỏ La Pán Tẩn để thu mua quặng trục lợi? Chính quyền các cấp tỉnh Yên Bái có động thái gì để ngăn chặn thực trạng này? Đó là những câu hỏi rất cần được giải đáp sớm để ngăn một thảm họa tương tự. Quặng thẩm lậu không chỉ 1 năm Trong những ngày lang thang trong các bản của xã La Pán Tẩn, chúng tôi đã được nghe kể rất nhiều câu chuyện đau lòng về đời mót quặng của đồng bào người Mông sống lẩn khuất sau những vạt rừng cao. Do khó khăn về kinh tế, hầu hết các hộ người Mông đều tham gia vào các đội quân cắt rừng vào các khu mỏ xa để nhặt quặng. Mỗi cân quặng, tùy theo chất lượng mà có giá dao động từ 20.000 đồng-30.000 đồng/kg. Mặc dù khá rẻ mạt nhưng với người La Pán Tẩn thì mỗi cân quặng cũng đổi được nửa yến thóc cho qua tháng đói nghèo. Người may mắn, có khi kiếm được cả bạc triệu cho một lần mót quặng của mình. Nhiều đồng bào Mông khẳng định, việc họ vào các khu vực mỏ để mót quặng không phải mới chỉ diễn ra trong 1 năm gần đây. Giàng Thị Dê, vợ của nạn nhân Lý A Sinh hiện đã mãi mãi nằm lại trong lòng núi kể, ngay cả đứa con mới 8 tuổi của chị cũng đã biết tham gia mót quặng đem ra đường cái bán. Tại thời điểm sôi động nhất, theo một cán bộ huyện Mù Cang Chải (xin được giấu tên), số người vào các mỏ La Pán Tẩn tìm quặng lên tới hơn 200 người. Xác nhận sự kiện này với phóng viên, thậm chí, ông Hảng Xáy Chông, Trưởng Công an xã La Pán Tẩn còn chẳng cần giở sổ sách, kể rành rọt lại. Vào thời điểm ngày mùng 3, mùng 4 tháng 4 năm 2011, mỗi ngày có khoảng 150-200 người Mông từ các bản và các xã lân cận vào các mỏ của La Pán Tẩn để tìm quặng. Trong số này theo khẳng định của ông Hảng Xáy Chông, có cả học sinh lớp 4, lớp 5.
Một con đường quặng từ dân thẩm lậu ra ngoài
Sau đó không lâu, đến tháng 4/2011, dân lại kéo khá đông vào bới tại mỏ của công ty Nam Hồng Hà ở bản Kháo Nhà, xã Cao Phạ, giáp ranh khu vực xảy ra vụ sập núi, dù trước đó đất đá trong lò sập xuống làm chết anh Lý A Dờ và bị thương 2 người là Lý A Chu và Hảng A Chua của xã La Pán Tẩn. Theo tìm hiểu, trên địa bàn 3 xã gồm La Pán Tẩn, Cao Phạ và Chế Cu Nha có 4 điểm khai thác quặng. Đau xót nhất là ngay cả sau sự cố sập núi làm chết gần 20 người sáng 7/9 vừa qua, tình trạng bất chấp nguy hiểm vào núi nhặt quặng vẫn tiếp diễn. Nhiều đồng bào có người tử vong trong sự việc này vẫn buồn rầu cho hay: “Sau này đói, không có gì ăn thì vẫn phải đi mót quặng.” Nhãn tiền nhất, sáng 12/9, đoàn tìm kiếm cứu nạn đã phải lập biên bản đối với 1 người dân vì vào mót quặng ở hiện trường vụ sập. Chính quyền chưa quyết liệt? Sự việc kéo dài nhiều năm, chính quyền xã, huyện đều nắm được việc dân vào núi mót quặng. Điều này thể hiện rất rõ ở một loạt ý kiến chỉ đạo cũng như văn bản cam kết được ban hành suốt 2 năm qua. Cụ thể, trước tình trạng người dân thường xuyên vào các mỏ gây nguy hiểm đến tính mạng, gần cuối tháng 4-2011, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh cùng Uỷ ban nhân dân huyện nổ mìn đánh sập cửa hầm lò để bảo vệ tính mạng cho người dân. Nhưng lò bị đánh sập, thậm chí cửa hầm đã được đổ bê tông, nhưng người dân vẫn phá thủng để vào mót, bất chấp lệnh cấm. Tiếp đó, mới đây nhất, vào khoảng cuối tháng 8/2012, đại diện xã La Pán Tẩn, công ty Thịnh Đạt và các trưởng bản, các hộ gia đình trên địa bàn xã này tiếp tục cùng nhau ký vào bản cam kết với nội dung dân tự nguyện không vào các mỏ quặng để mót nữa. Thế nhưng, chừng ấy văn bản, quyết định được đưa ra lại thiếu đi những biện pháp quyết liệt nên sự cố đau lòng vẫn diễn ra vào sáng 7/9. Cụ thể, thừa nhận thực trạng dân mót quặng không chỉ mới có, ông Hồ Chờ Sử, Bí thư xã La Pán Tẩn cho hay, các cán bộ huyện, xã đã tiến hành vào các thôn bản…. vận động người dân không tiếp tục đi mót quặng mà nguy hiểm đến tính mạng nữa.
Có khi quặng cũng được chở thẳng qua đường liên xã
Ngay cả một số cán bộ huyện Mù Cang Chải cũng nhấn mạnh giải pháp tuyên truyền và vận động nhằm giải quyết vấn đề này. Trong một diễn biến khác, trước tình trạng dân khai thác quặng lậu trong nhiều năm, chủ doanh nghiệp Thịnh Đạt, ông Đào Xuân Thịnh liên tục khẳng định, doanh nghiệp không thuê dân mót quặng, cũng như không thu mua lại quặng của dân. Vậy câu hỏi đặt ra, quặng sau khi về nằm tại các bản Mông được chuyển đi đâu? Về vấn đề này, qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, quặng sau khi được mót sẽ được người dân đưa ra Ngã Ba Kim và Tú Lệ để bán. Trong 2 địa điểm này, Ngã Ba Kim chỉ nằm cách Ủy ban nhân dân xã La Pán Tẩn chừng 3km và cách huyện lỵ Mù Căng Chải chưa đầy 20 cây số. 2 nhân vật trực tiếp thu mua quặng của người dân cũng được những người mấy năm nay mưu sinh bằng quặng lậu chỉ tên. Một người là V., biệt danh V. giáo viên. 1 người khác nữa là T. biệt danh T. mượt. Bản thân chính quyền La Pán Tẩn cũng không lạ mặt những nhân vật này. Bởi theo lời Trưởng Công an xã Hảng Xấy Chông, xã biết việc dân đem quặng bán cho người tên V thời gian trước. “Chúng tôi cũng liên tục nhắc nhở anh V. mỗi khi gặp,” ông Chông nhấn mạnh. Ông Chông cho biết thêm, xã đã có ý kiến tại các cuộc họp với huyện và huyện cũng tiếp nhận. Liên lạc với Chủ tịch huyện Mù Cang Chải, ông Giàng A Tông, chúng tôi được ông Tông xác nhận, huyện này đã nhận được ý kiến chuyển lên từ phía xã. Phía huyện cũng đã chỉ đạo lực lượng công an vào cuộc để xác định rõ các đối tượng tham gia mua quặng. “Nếu phát hiện được chúng tôi sẽ tiến hành xử lý nghiêm,” ông Tông nhấn mạnh. Trong khi đợi các cấp chính quyền có trách nhiệm vào cuộc một cách quyết liệt, vòng luẩn quẩn cân quặng-mạng người sẽ vẫn là câu chuyện nhức nhối nơi cuối trời Tây Bắc.
Quặng thẩm lậu qua dân như thế nào? Trong những ngày ở La Pán Tẩn, chúng tôi đã cố công tìm hiểu các con đường quặng thẩm lậu qua dân đến tay các đầu nậu tại khu vực La Pán Tẩn. Cụ thể, sau khi mót được quặng, người dân sẽ đưa số quặng này đi qua 3 đường cơ bản. Thông dụng nhất, người dân trực tiếp chạy theo lối đường liên xã chạy qua Ủy ban nhân dân La Pán Tẩn xuống Ngã Ba Kim bán. Ngoài ra, người dân cũng có thể đi theo đường mòn qua bản Trống Tông xuống đội 2 xã Púng Luông hoặc đường bê tong từ Tả Chí Lừ xuống Pú Nhu. Phía Công an xã La Pán Tẩn cũng đã xác nhận với Vietnam+ 3 con đường này nhưng việc xử lý lại “không nằm trong thẩm quyền chúng tôi,” Trưởng công an xã La Pán Tẩn khẳng định. |
Sơn Bách - Mạnh Hùng (Vietnam+)