Tham gia Gìn giữ Hòa bình: Thực hiện trách nhiệm với bạn bè thế giới

Theo Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, việc Quốc hội chủ trương mở rộng các lực lượng, mở rộng địa bàn tham gia vào Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc là rất đúng đắn và phù hợp.
Đội Công binh số 1 chuẩn bị các phương tiện xe, máy trước ngày lên đường làm nhiệm vụ. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Với tinh thần hội nhập sâu rộng, toàn diện trên các lĩnh vực, Việt Nam chủ trương tiếp tục đóng góp thực chất và mở rộng quy mô, phạm vi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Việc Bộ Công an chính thức cử sỹ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình là một dấu mốc quan trọng, điểm sáng nổi bật trong hoạt động đối ngoại an ninh, một bước tiến trong hội nhập, hợp tác, phát triển; góp phần khẳng định nhất quán quan điểm Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Với những kinh nghiệm sẵn có trong quá trình triển khai Lực lượng Gìn giữ Hòa bình tại các phái bộ ở cả hình thức cá nhân và đơn vị, thời gian qua, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng) đã tích cực hỗ trợ Bộ Công an trong công tác chuẩn bị, đào tạo lực lượng.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng) để làm rõ hơn một số nội dung xoay quanh vấn đề này.

- Là đơn vị đi đầu và cũng đã có hơn 8 năm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam đã tham gia đóng góp vào quá trình đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này đối với lực lượng công an như thế nào, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tương đối muộn.

Năm 2014, khi chúng ta tham gia, lúc đó chỉ còn ba quốc gia trong khu vực ASEAN chưa cử quân tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là Việt Nam, Lào và Myanmar. Đến nay, chúng ta đã có hơn 8 năm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Tuy nhiên, đây cũng là một thời gian rất ngắn so với cả tiến trình mà Liên hợp quốc đã triển khai hoạt động này từ năm 1948.

Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chúc mừng các sỹ quan Công an nhân dân lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Quân đội Nhân dân Việt Nam vinh dự được Đảng, Nhà nước lựa chọn là lực lượng tiên phong, đi đầu trong lĩnh vực rất nhạy cảm, có tính tác chiến cao song có ảnh hưởng đến đối ngoại, đến tính nhạy cảm quốc tế rất lớn này. Chúng ta đã thành công khi cử các lực lượng kể cả cá nhân và đơn vị đi làm nhiệm vụ.

Việc Quốc hội chủ trương mở rộng các lực lượng, mở rộng địa bàn tham gia vào Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc là rất đúng đắn, phù hợp với đường lối đối ngoại hội nhập sâu rộng của Đảng.

Lộ trình mà Bộ Chính trị đã phê duyệt năm 2013 có khẳng định là quân đội, công an cũng như các lực lượng dân sự khác sẵn sàng tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Với kinh nghiệm tương đối ít ỏi của mình, chúng tôi đã và đang sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ và phối hợp rất tốt với Bộ Công an.

[Những "sứ giả hòa bình" Việt Nam chung tay bảo vệ quyền con người]

Thời gian vừa qua, Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo cho Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam - với tư cách là đơn vị đi đầu và đã có lực lượng triển khai cả về hình thức cá nhân lẫn đơn vị - có trách nhiệm hỗ trợ, phối hợp, giúp đỡ để Bộ Công an có những đồng chí sỹ quan đủ năng lực triển khai ngoài phái bộ.

Chúng tôi xác định rằng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình là nhiệm vụ chung của đất nước, qua đó thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, vì vậy không có sự phân tách rạch ròi giữa lực lượng công an, quân đội hay dân sự tham gia.

Chúng ta đến với bạn bè quốc tế, đến với hoạt động gìn giữ hòa bình dưới ngọn cờ của Liên hợp quốc nhằm quảng bá về hình ảnh của lực lượng quân đội, công an hay của công dân Việt Nam ủng hộ cho mục tiêu của Liên hợp quốc, cho sự hòa bình, ổn định của thế giới và thực hiện trách nhiệm của chúng ta đối với bạn bè thế giới. Đây cũng là một biện pháp để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong thời bình.

- Cụ thể, với những kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn, Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam đã hỗ trợ những gì cho lực lượng công an trong quá trình chuẩn bị triển khai lực lượng, đặc biệt là công tác huấn luyện cho việc tham gia Lực lượng Gìn giữ Hòa bình?

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Trong 8 năm qua, chúng tôi đã có những kinh nghiệm nhất định trong lĩnh vực huấn luyện đào tạo. Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam đã hai lần được Liên hợp quốc lựa chọn làm Trung tâm Huấn luyện theo chương trình triển khai 3 bên giữa Liên hợp quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Chúng tôi đã triển khai ba khóa huấn luyện rất thành công năm 2018, 2019 và 2020.

Nhiều giảng viên của Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam đã được Liên hợp quốc công nhận và mời đi giảng ở các quốc gia khác nhau trên thế giới, cả ở châu Á, châu Mỹ và châu Phi. Hiện chúng tôi đang có sự phối hợp hết sức chặt chẽ với các quốc gia khác, với Chương trình Sáng kiến Hoạt động Hòa bình Toàn cầu (GPOI) của Hoa Kỳ, với các giảng viên của Liên hợp quốc để mở các khóa huấn luyện.

Trong thời gian qua, Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam đã hỗ trợ Bộ Công an tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cho 4 lớp có sỹ quan của lực lượng công an tham gia. Gần 30 sỹ quan của Bộ Công an đã được học tập, huấn luyện, đào tạo ở đây, trong đó có 4 đồng chí triển khai ở New York và tại phái bộ ở Nam Sudan.

Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn trao quyết định cho 4 sỹ quan đi thực hiện nghĩa vụ gìn giữ hòa bình và chúc mừng 4 sỹ quan đã hoàn thành nhiệm vụ. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Trong quá trình huấn luyện, chúng tôi đã trang bị cho các học viên của quân đội, công an và học viên quốc tế những kiến thức về: pháp luật về giao tranh của Liên hợp quốc; về đất nước, con người sở tại; kỹ năng sinh tồn, xử lý các vấn đề khủng hoảng, đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống xảy ra ở địa bàn như bệnh dịch, lũ lụt, nạn đói...

Các học viên được hướng dẫn để nâng cao năng lực tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, của đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Đặc biệt, chúng tôi hướng dẫn cho các học viên kỹ năng triển khai hoạt động đối ngoại hòa hiếu của dân tộc Việt Nam, đó là tôn trọng nền văn hóa, dân tộc, tôn giáo của nước sở tại cũng như của các quốc gia đồng hành với chúng ta ở phái bộ.

Bên cạnh đó, các sỹ quan cả công an và quân đội của Việt Nam cũng được hướng dẫn kỹ năng sinh tồn, khả năng dân vận..., tạo nên nét riêng biệt của sỹ quan Việt Nam trước bạn bè quốc tế. Đây là một trong những thành công rất lớn của quá trình đào tạo.

- Thưa Thiếu tướng, lực lượng quân đội và lực lượng công an phối hợp như thế nào trong quá trình tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc để đạt hiệu quả cao nhất?

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Thời gian tới, Bộ Công an dự kiến sẽ tiếp tục triển khai các sỹ quan cá nhân ở phái bộ tại Nam Sudan. Ở đó, chúng tôi có cả lực lượng cá nhân hoạt động độc lập và 63 đồng chí ở Bệnh viện Dã chiến cấp 2 ở Bentiu.

Theo Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội về tham gia Lực lượng Gìn giữ Hòa bình của Liên hợp quốc và theo sự phối hợp, thống nhất giữa hai Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, các lực lượng của quân đội sẽ là lực lượng chỉ huy trực tiếp ở ngoài phái bộ.

Bởi khi có những sự cố hay những hoạt động chung, Liên hợp quốc chỉ làm việc với một đại diện của Việt Nam, không phân tách rõ ràng giữa lực lượng công an, quân đội hay dân sự để làm việc riêng mà chỉ làm việc với một đầu mối chỉ huy cao nhất, đại diện của một quốc gia tại địa bàn phái bộ đó, và cương vị chỉ huy cao nhất ở địa bàn do lực lượng của Bộ Quốc phòng đảm nhiệm. Đây cũng là phong cách làm việc chung của Liên hợp quốc tại các phái bộ.

Ngoài ra, ở các phái bộ cũng thành lập Chi bộ với sự tham gia của cả lực lượng công an và quân đội, do đó sẽ có sự lãnh đạo chung của Chi bộ trong việc phối hợp với nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, chúng tôi thành lập một Đảng bộ Bệnh viện Dã chiến cấp 2 ở Nam Sudan.

Tuy nhiên, ở cùng một phái bộ khi có cả lực lượng quân đội và công an tham gia vào hoạt động này, trước hết các đồng chí ở từng cương vị của mình là những sỹ quan hoạt động độc lập phải thực hiện tròn vai, có trách nhiệm trước những nhiệm vụ mà Liên hợp quốc giao.

Chúng tôi luôn tin tưởng các sỹ quan cả công an và quân đội đã được đào tạo ở Trung tâm của Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam đều có năng lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

- Thiếu tướng có thể chia sẻ thêm về mục tiêu trong tương lai của Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam?

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Trong thời gian tới, với sự giúp đỡ của quốc tế, Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam mong muốn và đang phấn đấu phấn đấu xây dựng Cục thành một Trung tâm Huấn luyện mang tầm cỡ quốc tế và khu vực.

Đồng thời, chúng tôi phấn đấu xây dựng để Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam trở thành Trung tâm Quốc gia Điều phối chung các hoạt động Gìn giữ Hòa bình khi chúng ta có nhiều lực lượng, quân đội, công an và sau này là kể cả dân sự tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục