Thăm, chúc mừng nhân dịp lễ Sen Dolta của đồng bào Khmer

Đoàn Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã đến thăm các chùa, các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức, các vị sư sãi, tăng ni phật tử Nam tông Khmer nhân dịp lễ Sen Dolta.
Lễ hội đua bò Bảy Núi nhân đón Lễ Sen Dolta cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer năm 2012. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Sáng 17/9, tại thành phố Cần Thơ, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và thành phố Cần Thơ do ông Nguyễn Phong Quang - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ làm trưởng đoàn đã đến thăm các chùa, các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức, các vị sư sãi, tăng ni phật tử Nam tông Khmer, gia đình chính sách đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn nhân dịp lễ Sen Dolta (Phật lịch 2558 - Dương lịch 2014).

Tại các nơi đến thăm, ông Nguyễn Phong Quang ân cần thăm hỏi, chúc các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức, các vị sư sãi, tăng ni phật tử đồng bào Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn chung vui lễ Sen Dolta trên tinh thần vui vẻ, an toàn, đoàn kết và tiết kiệm.

Ông Nguyễn Phong Quang cũng báo cáo tóm tắt tình hình phát triển kinh tế-văn hóa xã hội 8 tháng đầu năm 2014 của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Cần Thơ, trong đó có sự đóng góp của đồng bào dân tộc Khmer.

Dịp này, đoàn thăm, tặng quà cho các chùa và gia đình chính sách khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với tổng giá trị khoảng 200 triệu đồng.

Ngoài đến thăm Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước thành phố Cần Thơ tại chùa Munirăngxây, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và thành phố Cần Thơ còn đến thăm Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, chùa San Vo Phô Thi Nhiên tại quận Ô Môn, thăm các gia đình chính sách tiêu tiểu người dân tộc Khmer.

Thượng tọa Trần Sone - Phó Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước thành phố Cần Thơ, Trụ trì chùa Munirăngxây cho biết đồng bào rất phấn khởi khi được các lãnh đạo đến thăm và chúc mừng nhân dịp lễ Sen Dolta. Năm nay, đồng bào Khmer đón lễ Sen Dolta khá sung túc do đời sống của bà con đã khá giả hơn.

Lễ Sen Dolta năm nay kéo dài khoảng nửa tháng, bắt đầu từ nay và ngày lễ chính thức sẽ diễn ra trong 1 tuần nữa. Ý nghĩa của lễ Sen Dolta là để bà con tưởng nhớ tới công lao, ơn đức của ông bà, cha mẹ.

Ngày 17/9, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đến thăm và tặng quà chúc mừng lễ Sen Dolta các chùa Phù Ly 1 (xã Đông Bình, thị xã Bình Minh), Kỳ Son (xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình), Gia Kiết (xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn), Hạnh Phúc Tăng (xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm) và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước của tỉnh.|

Tại những nơi đến thăm, ông Nguyễn Quang Trường, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, chúc mừng các vị hòa thượng, thượng tọa, các gia đình cán bộ, gia đình chính sách và gửi lời chúc đến đồng bào dân tộc Khmer đón lễ Sen Dolta vui tươi, sung túc, hạnh phúc.

Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ mong muốn các vị hòa thượng, thượng tọa, sư sãi ở các chùa phát huy tinh thần đoàn kết, đồng thời làm cầu nối giữa Đảng, chính quyền với đồng bào Khmer tại địa phương; phát huy tốt hơn nữa vai trò tập hợp, đoàn kết trong đồng bào dân tộc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng quê hương.

Đoàn công tác đã tặng quà cho các nhà chùa và các gia đình chính sách tiêu biểu, cán bộ hưu trí và các hộ Khmer nghèo ở mỗi nơi đến thăm.

Ban Quản trị và các vị sư cả trụ trì các chùa cảm ơn sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đối với đời sống của đồng bào Khmer, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục dẫn dắt đồng bào phật tử phát triển kinh tế, tham gia tốt các phong trào do Đảng, Nhà nước, địa phương phát động.

Để tạo điền kiện cho đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh đón lễ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo các ngành có liên quan, các địa phương tổ chức họp mặt, thăm viếng chùa, sư sãi, các gia đình chính sách, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer tiêu biểu; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, nhằm gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer và truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong chiến đấu cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ ngày 15/9 đến 19/9, lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh An Giang tổ chức 7 đoàn thăm, tặng quà chúc mừng lễ Sen Dolta của đồng bào Khmer trong tỉnh.

Tại 18 chùa Phật giáo Nam tông Khmer trong tỉnh, như chùa Kal Pô Prưk (huyện Thoại Sơn), chùa Om Piav Svai (Tịnh Biên), chùa Phnum Ta Pa, chùa Tưk phôs (Tri Tôn), chùa Se Rây Măng Kol Sa (Châu Thành) và các chùa của huyện Tịnh Biên, ông Phạm Biên Cương, Phó Bí thư Tỉnh ủy An Giang đã chúc mừng các vị sư sãi, à cha và gửi lời thăm hỏi đến đồng bào dân tộc Khmer; đồng thời thông báo về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh An Giang năm 2014 và các chương trình phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đã đến thăm chùa Tưk phôs (huyện Tri Tôn), chúc mừng lễ Sen Đolta của đồng bào Khmer, đồng thời biểu dương sự đóng góp tích cực của đồng bào dân tộc Khmer cùng đồng bào các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm cùng chung tay xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Ông bày tỏ mong muốn trong thời gian tới các vị sư sãi, à cha tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, hướng đồng bào đoàn kết, chung sức cùng chính quyền và nhân dân địa phương phát triển sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, nâng cao chất lượng cuộc sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các sư sãi, à cha, đại diện đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh An Giang đã bày tỏ cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh trong thời gian qua đã tạo mọi điều kiện tốt nhất trong triển khai chính sách, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đường, trường, trạm tạo bộ mặt phum sóc khang trang, hỗ trợ con em dân tộc thiểu số được học tập, đồng bào được chăm sóc sức khỏe, sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Nâng thu nhập bình quân đầu người trong vùng dân tộc đạt trên 20 triệu đồng/người/năm.

Tỉnh An Giang hiện có hơn 95.000 đồng bào dân tộc Khmer, chiếm 4,2% tổng dân số toàn tỉnh và chiếm 75% tổng số đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Đồng bào dân tộc Khmer sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, tập trung tại 5 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Thành, Châu Phú và Thoại Sơn, sinh hoạt tại 65 chùa Phật giáo Nam tông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục