Thái ưu tiên phát triển đường sắt kết nối khu vực

Thái Lan dự kiến sẽ xây hệ thống đường sắt cao tốc trị giá 2.000 tỷ bath, với quãng đường được dự kiến 1.447km, đi qua 24 tỉnh, thành.
Theo Chính phủ Thái Lan, nước này đang có kế hoạch triển khai dịch vụ tàu hỏa trên cơ sở một quy trình đầy đủ và đặt mục tiêu biến dịch vụ đường sắt trở thành niềm tự hào của quốc gia vào năm 2020 khi gói siêu dự án cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỷ bath (hơn 66,6 tỷ USD) được hoàn tất.

Để phát triển dịch vụ tàu hỏa và hệ thống đường sắt, Thái Lan đã lập ra mục tiêu giảm tỷ lệ giữa chi phí vận tải, hậu cần và GDP. Người dân được khuyến khích chuyển sang sử dụng tàu hỏa nhiều hơn. Tốc độ của đường sắt sẽ phải được cải thiện, đồng thời các kết nối giữa đường sắt với sân bay và bến cảng sẽ phải được tăng cường.

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra cho biết bà ủng hộ việc phát triển dịch vụ tàu hỏa để đáp ứng nhu cầu mở rộng hệ thống giao thông đường sắt trong tương lại. Bà cũng đã giao Tổng cục đường sắt phối hợp với các ngành hữu quan như Bộ Tài chính, để tạo ra nhiều mô hình cho việc phát triển đường sắt và quản lý tài sản của ngành đường sắt.

Thái Lan dự kiến sẽ xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc trị giá 2.000 tỷ bath, với một quãng đường được dự kiến là 1.447km. Tuyến đường này sẽ đi qua 24 tỉnh, thành với khoảng hơn 200 chuyến mỗi ngày. Nó cũng được dự kiến sẽ phục vụ khoảng hơn 40 triệu khách mỗi năm. Thái Lan cũng có thể trở thành quốc gia đầu tiên trong ASEAN có tuyến đường sắt cao tốc, dự kiến vào năm 2020.

Hơn một thế kỷ trước, dịch vụ đường sát của Thái Lan cũng được coi là hiện đại nhất ở châu Á và mục tiêu hiện nay của Chính phủ là khôi phục lại vị trí này đối với đường sắt cao tốc. Ngoài ra, trong kế hoạch phát triển, tất cả các tuyến đường sắt hiện nay của Thái Lan cũng sẽ được thay đổi bằng đường rãnh kép tạo điều kiện cho hệ thống vận tải và hậu cần.

Theo Thủ tướng Yingluck, nhiệm vụ hiện nay của ngành đường sắt phải làm là cải thiện hệ thống nhà vệ sinh trên tàu và hệ thống chỉ dẫn đường sá. Trong giai đoạn đầu tiên, các tuyến Bangkok-Hua Hin và Bangkok-Ayuthaya cần được đưa vào dự án cải thiện chất lượng dịch vụ nhằm thúc hút thêm hành khách, kể cả người nước ngoài.

Thủ tướng Thái Lan khẳng định Chính phủ rất coi trọng việc phát triển hệ thống đường sắt và dịch vụ tàu hỏa. Chính sách này sẽ góp phần giúp Thái Lan trở thành trung tâm vận tải của khu vực ASEAN và kết nối Thái Lan với các nước láng giềng.

Bà Yingluck đã từng tổ chức một phiên họp Nội các trên chuyến tàu Bangkok-Nakhon Phathom, một tỉnh miền Trung Thái Lan cách thủ đô khoảng 60km, nhằm khẳng định các cam kết của Chính phủ thúc đẩy việc triển khai xây dựng các tuyến đường sắt nhằm phát triển đất nước và nâng cao hơn nữa mức sống của người dân Thái Lan.

Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Chatchart Sittipan cho rằng việc Chính phủ đầu tư vào đường sắt có thể không tạo ra lợi nhuận, nhưng điều này sẽ góp phần cải thiện việc kết nối và phát triển trong khu vực. Ngành đường sắt cần nhận được sự ủng hộ tích cực để có động lực hoạt động tốt hơn. Chi phi đi lại bằng đường sắt chắc chắn sẽ rẻ hơn đi lại bằng đường bộ.

Hiện tại, dịch vụ đường sắt ở Thái Lan thường hay bị gián đoạn bởi chi phí bảo trì và sửa chữa rất ít. Một số đoàn đường thậm chí còn chưa được duy tu trong suốt 30 năm qua. SRT hiện đang mắc nợ khoảng 100 tỷ bath và vẫn thua lỗ hàng năm bởi Chính phủ yêu cầu duy trì bán giá vé rẻ hơn giá thị trường./.

Hà Linh/Bangkok (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục