Thải rác nhiều nhất thế giới, Mỹ sẽ bị chôn vùi trong 'núi phế thải'?

Mặc dù chỉ chiếm 4% dân số thế giới, song người Mỹ lại thải tới 12% tổng lượng rác đô thị trên toàn cầu, tương đương 773kg/đầu người.
Thải rác nhiều nhất thế giới, Mỹ sẽ bị chôn vùi trong 'núi phế thải'? ảnh 1Những túi rác thải trên một đường phố ở New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mỹ đã trở thành quốc gia thải rác nhiều nhất thế giới, với lượng rác tính theo đầu người cao gấp 3 lần so với mức trung bình toàn cầu.

Tình hình còn tồi tệ hơn khi tỷ lệ rác tái chế của nền kinh tế đầu tàu thế giới này rất ít ỏi.

Theo một nghiên cứu về xu hướng rác thải toàn cầu do hãng quản lý rủi ro Verisk Maplecroft công bố ngày 5/7, mỗi năm, thế giới phải hứng chịu hơn 2,1 tỷ tấn rác thải rắn đô thị, đủ lấp đầy 822.000 bể bơi tiêu chuẩn Olympic.

Tuy nhiên, chỉ 16% trong số đó được tái chế mỗi năm, trong khi 46% bị vứt bỏ một cách "vô tội vạ."

Người dân và doanh nghiệp Mỹ "đóng góp" nhiều nhất lượng rác trên toàn thế giới, tính trên 4 loại chất thải gồm chất thải rắn, nhựa, thực phẩm và chất thải công nghiệp độc hại.

Mặc dù chỉ chiếm 4% dân số thế giới, song người Mỹ lại thải tới 12% tổng lượng rác đô thị trên toàn cầu, tương đương 773kg/đầu người.

Trong khi đó, với tổng dân số chiếm 36% dân số thế giới, lượng rác thải của cả Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 27% chất thải rắn đô thị toàn cầu.

Bên cạnh là quốc gia thải rác nhiều nhất thế giới, Mỹ cũng là một trong những nước công nghiệp xử lý rác thải yếu kém nhất.

Không giống như Đức có thể tái sử dụng 68% rác thải, Mỹ chỉ tái chế được 35% rác thải rắn đô thị và phải phụ thuộc vào việc chở rác sang các nước khác.

Nghiên cứu nêu rõ: "Mỹ là quốc gia phát triển duy nhất thải ra lượng rác vượt quá khả năng tái chế, cho thấy sự thiếu hụt về quyết tâm chính trị và đầu tư vào cơ sở hạ tầng."

Nếu tình trạng này không được cải thiện, Mỹ sẽ đối mặt với nguy cơ bị chôn vùi trong "núi phế thải" của chính mình.

Trước tình trạng rác thải toàn cầu gia tăng, nhà phân tích môi trường cấp cao Niall Smith thuộc Verisk Maplecroft kêu gọi chính phủ các nước cần hành động để giải quyết vấn nạn rác thải tràn lan, trong khi các doanh nghiệp cũng phải trả chi phí xử lý rác thải.

Việc đầu tư các biện pháp kinh tế quay vòng trên cơ sở tái chế rác thải không chỉ giúp giảm thiểu nguy cơ mà còn mở ra những thị trường mới và giúp nâng cao danh tiếng doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục