Thai phụ bị căng thẳng và mắc COVID-19 có thể ảnh hưởng đến trẻ

Nếu sản phụ bị căng thẳng và mắc COVID-19, đứa trẻ sinh ra có biểu hiện giảm chú ý vào lúc 6 tháng tuổi và nhiều khả năng biểu hiện việc chậm phát triển chức năng nhận thức vào lúc 12 tháng.
Nghiên cứu chỉ ra rằng những thai phụ mắc COVID-19 và bị căng thẳng cao hơn trong thai kỳ có liên quan đến việc giảm chú ý của trẻ. (Nguồn: Draliabadi)

Theo một nghiên cứu mới do Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia thuộc Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) tiến hành và công bố ngày 27/9, thai phụ bị căng thẳng cao độ và mắc COVID-19 có thể làm tăng nguy cơ suy giảm chú ý, chậm phát triển chức năng nhận thức và cảm xúc xã hội ở trẻ sơ sinh.

Để đưa ra kết luận trên, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia Mỹ đã xem xét và đánh giá 167 bà mẹ và trẻ sơ sinh con họ, gồm 50 trường hợp biểu hiện triệu chứng mắc COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm mắc COVID-19 trong thời kỳ mang thai và 117 trường hợp không mắc COVID-19 trong thai kỳ.

Các bà mẹ đã thông báo về những triệu chứng trầm cảm, lo lắng, căng thẳng và sức khỏe thể chất trong thai kỳ.

[Khoảng 5% số người mắc COVID-19 mất khứu giác, vị giác kéo dài]

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu đánh giá sự phát triển của trẻ sơ sinh tại thời điểm 6 tháng tuổi thông qua hành vi.

Các gia đình sẽ tự đánh giá sự chú ý của trẻ, sau đó điền vào bản khảo sát về khả năng tự điều chỉnh của trẻ sơ sinh.

Khi trẻ được 12 tháng, 99 bà mẹ hoàn thành bảng khảo sát để xác định liệu trẻ có chậm phát triển chức năng nhận thức và cảm xúc xã hội hay không.

Kết quả cho thấy ở những thai phụ không mắc COVID-19, không phát hiện mối liên quan nào giữa căng thẳng trước khi sinh và sự chú ý của trẻ lúc 6 tháng tuổi.

Tuy nhiên, ở những thai phụ mắc COVID-19 và bị căng thẳng cao hơn trong thai kỳ có liên quan đến việc giảm chú ý của trẻ.

Trẻ có biểu hiện giảm chú ý vào lúc 6 tháng tuổi nhiều khả năng biểu hiện việc chậm phát triển chức năng nhận thức và cảm xúc xã hội vào lúc 12 tháng.

Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục theo dõi nhóm trẻ em này ở các độ tuổi lớn hơn nhằm xem xét tác động của căng thẳng của người mẹ đối với sự phát triển hành vi của trẻ.

NIH cho biết các phát hiện này cho thấy việc điều chỉnh vấn đề lo âu, căng thẳng của người mẹ có thể làm giảm ảnh hưởng tiêu cực nếu họ mắc COVID-19 trước sinh cũng như những lợi ích của việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 đối với thai phụ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục