Thái Nguyên thu hút đầu tư vào công nghiệp chủ lực và phụ trợ

Từ đầu năm đến nay, Thái Nguyên thu hút được 9 dự án đầu tư nước ngoài; trong đó, 8 dự án thuộc ngành công nghiệp chế biến chế tạo và 1 dự án thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ.
Dây chuyền cán thép công nghệ Italia của Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Theo ông Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên, trong điều kiện kinh tế-xã hội của cả nước hết sức khó khăn, kinh tế Thái Nguyên vẫn đảm bảo mức tăng trưởng dương.

Để phấn đấu đạt mức tăng trưởng 7,3% của cả năm 2020, cùng với việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, triệt để các biện pháp phòng chống, chống dịch COVID-19, tỉnh tập trung giải quyết các "điểm nghẽn," bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển, để khôi phục và phát triển sản xuất, thực hiện có hiệu quả các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp của tỉnh.

Thái Nguyên cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện hiệu quả việc xúc tiến đầu tư, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư đối với các dự án đã ký kết tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018 của tỉnh Thái Nguyên.

[Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên]

Tỉnh cũng ưu tiên quỹ đất tại Khu Công nghiệp Sông Công 2 nhằm chớp lấy cơ hội thu hút đầu tư các lĩnh vực công nghiệp chủ đạo và công nghiệp phụ trợ của các tập đoàn lớn dịch chuyển đầu tư từ các nước khác sang, hình thành chuỗi cung ứng mới trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo thống kê mới nhất của tỉnh Thái Nguyên, dịch bệnh COVID-19 bùng phát khiến cho sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2020 tại tỉnh Thái Nguyên chịu ảnh hưởng đáng kể, giá trị sản xuất ước đạt 334.800 tỷ đồng, giảm 2,4% so với cùng kỳ.

Khối doanh nghiệp Nhà nước đạt 10.600 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ và bằng 42,9% kế hoạch cả năm; doanh nghiệp địa phương đạt 13.300 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ và bằng 40,7% kế hoạch cả năm; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 311.000 tỷ đồng, giảm 2,5% so với cùng kỳ và bằng 41,7% kế hoạch cả năm...

Dây chuyền sản xuất gạch đô thị của Công ty Cổ phần xi măng Cao Ngạn (thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên). (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy gây thiếu nguồn cung đầu vào. Các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh như điện thoại, máy tính bảng, hàng may mặc... bị thiếu hụt nguyên liệu đầu vào do nguyên liệu, phụ kiện, phụ trợ cho sản xuất chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc, tỷ lệ nội địa hóa rất thấp.

Mặt khác, lực lượng lao động bị thiếu hụt, đặc biệt là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, công nhân nghỉ luân phiên hay hạn chế đi lại đối với nhân công, chuyên gia từ các nước đối tác.

Các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh hiện nay chủ yếu tập trung vào phân khúc gia công xuất khẩu nên khi dịch COVID-19 bùng phát, gây nhiều khó khăn cho hoạt động ngoại thương dẫn đến lượng hàng hóa xuất khẩu bị sụt giảm mạnh do nhiều đối tác chủ động giãn, hoãn, hủy các đơn đặt hàng.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 4/2020, khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần hồi phục.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại Thái Nguyên đã quay trở lại hoạt động, tích cực, chủ động trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm để khôi phục và phát triển sản xuất.

Điều này giúp cho sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang từng bước phục hồi, nhiều ngành hàng công nghiệp chủ lực đã khởi sắc trở lại, tăng so với cùng kỳ như sắt thép các loại đạt 737.000 tấn, tăng 17,1% cùng kỳ và bằng 58,5% kế hoạch; xi măng đạt 1,2 triệu tấn, tăng 10,5% cùng kỳ và bằng 52,3%; điện sản xuất đạt 985 triệu Kwh, đồng tinh quặng đạt 21,3 nghìn tấn, tăng 1,4%...

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cộng đồng doanh nghiệp tại Thái Nguyên đã có nhiều giải pháp vượt khó, nỗ lực thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.

Các doanh nghiệp đã rất chủ động và có nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh như áp dụng giờ làm linh hoạt, cắt giảm chi phí sản xuất, tìm kiếm nhiều nguồn cung ứng nguyên liệu, vật liệu thay thế, thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là tập trung khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy, nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh.

Đáng lưu ý, từ đầu năm đến nay, Thái Nguyên vẫn thu hút được 9 dự án đầu tư nước ngoài; trong đó, 8 dự án thuộc ngành công nghiệp chế biến chế tạo và 1 dự án thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ với tổng số vốn đăng ký hơn 29,4 triệu USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục