Ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thị trấn Trại Cau (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, trong những năm gần đây, hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn, đã gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường sống của người dân địa phương, nhất là ô nhiễm khí bụi, sụt giảm mực nước ngầm, sụt lún lòng đất, gây thiếu nước nghiêm trọng.
Để "đòi" quyền lợi cho mình, người dân thị trấn Trại Cau đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền địa phương và doanh nghiệp khai thác mỏ, nhưng đến nay, sau nhiều năm “sống mòn” trong tình cảnh thiếu nước, ô nhiễm và sụt lún đất, vấn đề bức xúc này vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, khiến người dân phấp phỏng lo âu.
Đây là một trong những câu chuyện “nóng” về tác động của hoạt động khai thác khoáng sản vừa được ông Vũ Đăng Khoa đưa ra tại Hội thảo “Khai thác Khoáng sản: Từ câu chuyện ở cộng đồng đến các vấn đề chính sách” do Liên minh Khoáng sản phối hợp với Trung tâm Phát triển và Hội nhập tổ chức ngày 23/10, tại Hà Nội.
Chia sẻ thêm về tác động của khai thác khoáng sản trên địa bàn thị trấn Trại Cau, ông Khoa cho biết, vấn đề sụt giảm nước ngầm là do các hoạt động khai thác mỏ ở tầng sâu gây ra, điển hình là khai thác theo moong lộ thiên ở các mỏ than, sắt… Trên thực tế, việc khai thác ở độ sâu lớn hơn 50m, kết hợp với việc bơm hút nước từ moong để phục vụ việc khai thác đã dấn đến tháo cạn nước ngầm cục bộ tại khu vực khai thác.
“Điều đáng nói là, việc suy giảm nguồn nước ngầm, sụt lún lòng đất này đã khiến người dân gặp khó khăn về nhu cầu nước sinh hoạt và phục vụ nông nghiệp. Trong những năm gần đây, vấn đề này đã trở thành nỗi bức xúc và lo lắng của người dân địa phương, nhất là hơn 200 hộ dân đang sinh sống cạnh khu vực mỏ sắt Trại Cau tại các tổ 1,2,3,5,7 của thị trấn Trại Cau,” ông Khoa nói.
Đại diện cho cộng đồng khu vực bị ảnh hưởng, ông Phạm Quốc Tuấn (53 tuổi) ở tổ 14, phường Trại Cau phản ánh, thời gian đầu khi Chi nhánh Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên bước vào khai thác tại mỏ sắt Trại Cau, người dân khu vực chỉ bị ô nhiễm bụi và tiếng ồn. Thế nhưng, từ khi doanh nghiệp chuyển sang khai thác sâu, thì đất đai của dân bị sụt lún, mất nước nghiêm trọng.
Đơn cử như, sự cố môi trường ngày 3/4/2010 đã xảy ra hiện tượng sụt lún và nứt đất làm hư hại nhà ở và tài sản của một số hộ dân trên địa bàn tổ 3, thị trấn Trại Cau thuộc khai trường Thác Lạc III và mới đây nhất là vụ sụt lún gần 20m vừa diễn ra cuối năm 2014.
Ngoài sự cố về môi trường, theo ông Tuấn, việc đánh giá tác động môi trường tại mỏ sắt Trại Cau cũng chưa hợp lý, bởi việc sụt lún đất đai, mất nước, doanh nghiệp chưa đề cập đến; trong khi hậu quả thì người dân phải gánh chịu và họ cũng không được đền bù, giải quyết thỏa đáng.
Đánh giá khách quan từ góc độ nghiên cứu, phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Bích San, Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội và các vấn đề phát triển nhấn mạnh, trong những năm qua, hoạt động khai thác khoáng sản phát triển rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, từ khi các dự án được chính quyền địa phương cấp phép thì câu chuyện khai thác khoáng sản trở nên rất phức tạp, nhất là về vấn đề môi trường.
“Ví dụ như câu chuyện của mỏ sắt Trại Cau, thông thường doanh nghiệp khai thác thường theo đuổi mục tiêu lợi nhuận và hy sinh môi trường, trong khi những ảnh hưởng về đất đai, nguồn nước thì người dân phải chịu,” ông San chia sẻ.
Trước thực tế nêu trên, ông San cho rằng doanh nghiệp khai thác mỏ cần phải có đánh giá tác động môi trường rõ ràng hơn, tuy nhiên việc đánh giá môi trường cần phải có ý kiến đánh giá của các cơ quan chức năng liên quan, cũng như có sự tham gia của các tổ chức cộng đồng và người dân địa phương. Đối với các nhà hoạch định chính sách thì cần phải đưa ra chính sách đúng đắn, để có thể điều chỉnh được việc khai thác mỏ hợp lý.
Ngoài ra, “đối với các khu vực khai thác gây ảnh hưởng môi trường thì chính quyền địa phương cần phải nắm bắt các vấn đề phát sinh thông qua người dân và các tổ chức cộng đồng; xử lý kịp thời những vướng mắc của người dân trong quan hệ với các doanh nghiệp, và sử dụng đúng những nguồn đầu tư trở lại để phục hồi môi trường…,” ông San nhấn mạnh./.
Theo ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thị trấn Trại Cau, trên địa bàn thị trấn có nhiều công ty hoạt động khai thác khoáng sản. Trong đó, có Chi nhánh Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên – Mỏ sắt Trại Cau, Công ty cổ phần luyện kim đen Thái Nguyên, Công ty cổ phần Nhẫn, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hải Thành và Công ty cổ phần Kim Sơn.Mặc dù, các dự án đều có phương án dự án trích 1-2% doanh thu để xây dựng hạ tầng cho địa phương nơi thực hiện khai thác, nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện kế hoạch trên, thậm chí thị trấn không được hưởng từ nguồn thuế tài nguyên.