Ngày 5/4, tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã khởi động chương trình mở cửa lại hoạt động du lịch trên địa bàn trong điều kiện bình thường mới.
Chương trình này thực hiện chủ trương mở cửa du lịch theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tại chương trình, nhiều hoạt động sôi nổi đã được tổ chức theo tinh thần “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19." Điểm nhấn của chương trình chính là đưa vào sử dụng Khu giáo dục “Trải nghiệm về nguồn - ATK Thủ đô gió ngàn” do Công ty Cổ phần tập đoàn Giáo dục Trí Việt thực hiện. Đây là chương trình trải nghiệm giáo dục hướng tới phục vụ đối tượng học sinh, sinh viên nói riêng cũng như các bạn trẻ nói chung.
Tại đây, các em học sinh sẽ được khám phá, tìm hiểu khu trải nghiệm, xưởng sáng tạo, không gian văn hóa địa phương, không gian văn hóa 3 miền, khu trải nghiệm công nghệ cao… với các hoạt động cụ thể như làm nón dân tộc Tày, chế tác mộc, làm gốm, dệt; tham quan đồi chè và tìm hiểu thực tế quy trình sản xuất chè; khám phá văn hóa phi vật thể đàn tính, hát then; tham gia công nghệ robotics (tự động hóa), cảm ứng, âm thanh, ánh sáng…
[Mở cửa du lịch: Làm tốt việc truyền thông để thu hút khách quốc tế]
Đặc biệt, khi tham gia Không gian “Con đường lịch sử," các du khách “nhí” sẽ hiểu hơn về sự nghiệp cách mạng, những năm tháng mà Bác Hồ kính yêu đã sống và làm việc tại Chiến khu Việt Bắc. Những nội dung, hình thức hoạt động tại khu trải nghiệm vừa mang tính đặc thù về truyền thống văn hóa lịch sử địa phương, vừa bám sát định hướng mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai.
Phát biểu tại chương trình, bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, cho biết để mở cửa hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tích cực phối hợp với hiệp hội du lịch hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện tốt các nội dung liên quan đến quản lý nhà nước về du lịch; không ngừng nâng cao năng lực phục vụ du lịch.
Thái Nguyên quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng, cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ sở lưu trú, đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch để phục vụ tốt nhất việc đón khách du lịch, phát triển phục vụ hồi du lịch trong giai đoạn hiện nay.
Sau hơn 2 năm bị tác động bởi đại dịch COVID-19, nền kinh tế nước ta nói chung và kinh tế du lịch nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề, du lịch Thái Nguyên cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Với phương châm “Vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi kinh tế," tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều biện pháp để kích cầu du lịch nội tỉnh.
Hiện nay, một số khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh cũng đã sẵn sàng các điều kiện và cơ sở vật chất, dịch vụ để phục vụ du khách như khu di tích lưu niệm thanh niên xung phong Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái; bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam; làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải; khu du lịch hồ Núi Cốc; điểm du lịch hang Phượng Hoàng-suối Mỏ Gà; điểm du lịch sinh thái Dũng Tân; cụm di tích đình-đền-chùa Cầu Muối…/.