Theo Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, từ năm 2011 đến nay, tổng mức huy động các nguồn vốn phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt hơn 29.500 tỷ đồng.
Trong số đó, vốn trực tiếp xây dựng chương trình nông thôn mới hơn 76 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước trên 3.600 tỷ, còn lại là các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, ngân sách tỉnh và huyện, vốn ngân hàng cho người dân vay phát triển sản xuất.
Ông Hoàng Cường Quốc, Chánh văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho biết để việc huy động các nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, Thái Nguyên còn thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải, lựa chọn các xã điểm để áp dụng cơ chế hỗ trợ ưu đãi.
Vì vậy, chương trình xây dựng nông thôn mới ở hầu hết các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, được người dân tích cực hưởng ứng.
Ngoài nguồn đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia, các doanh nghiệp, trang trại, hộ gia đình đã đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng cho các dự án phát triển sản xuất ở nông thôn; nguồn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư cho chương trình cũng đạt trên 1.800 tỷ đồng. Đặc biệt, để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, người dân Thái Nguyên đã tự nguyện hiến trên 230ha đất.
Hiện tỉnh Thái Nguyên đã có trên 1.800 mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó có 825 trang trại, 350 hợp tác xã, 606 doanh nghiệp, 105 làng nghề, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Ước tính đến hết năm nay, đã có 44% số xã nông thôn trên địa bàn đạt tiêu chí thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh giảm còn 11,66%.
Đối với cơ sở hạ tầng nông thôn, đến nay tỉnh đã đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hơn 3.600km đường giao thông nông thôn, gần 200km kênh mương thuỷ lợi, xây dựng 262 trường học, 56 trạm y tế xã, 132 nhà văn hoá và khu thể thao xóm; 11 chợ nông thôn, 56 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, 13.000 công trình cấp nước sinh hoạt, 21.000 công trình vệ sinh hộ gia đình...
Qua đó, chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo được những thay đổi rõ nét ở vùng nông thôn miền núi, cơ bản đáp ứng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định của Bộ tiêu chí Quốc gia nông thôn mới.
Để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu kế hoạch chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2014, tỉnh Thái Nguyên đang khẩn trương thực hiện công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở các xã nông thôn trên địa bàn; tiến hành đánh giá, công nhận 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định; đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, xi măng, nhất là tại 25 xã đăng ký đạt chuẩn xã nông thôn mới vào năm 2015./.