Đúng như nhận định rộng rãi trước đó, trong cuộc họp ngày 21/8, Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) đã giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 2,5%, dù nền kinh tế trì trệ và chính sách tài khóa không chắc chắn sau khi Tòa án Hiến pháp bãi nhiệm ông Srettha Thavisin khỏi chức Thủ tướng vào tuần trước.
Ủy ban Chính sách tiền tệ (MPC) của BoT đã bỏ phiếu với tỷ lệ 6-1 để giữ tỷ lệ mua lại một ngày ở mức 2,5%, cao nhất trong hơn một thập kỷ.
Một thành viên MPC đã bỏ phiếu hạ lãi suất chính sách 0,25 điểm phần trăm khi mức tăng trưởng tiềm năng của Thái Lan giảm do những thách thức về cơ cấu và để giảm bớt một phần gánh nặng trả nợ cho người đi vay.
Cơ quan tiền tệ đã giữ lãi suất chủ chốt ổn định kể từ quý 4/2023 ngay cả khi lạm phát vẫn ở dưới mức mục tiêu 1-3% của BoT.
Quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất kể từ năm 2013 được đưa ra khi tân Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đang trong quá trình lựa chọn nội các mới và xây dựng các chính sách, bao gồm xem xét kế hoạch hỗ trợ hộ gia đình trị giá 450 tỷ baht (13 tỷ USD) của chính phủ do người tiền nhiệm Srettha lên kế hoạch.
BoT đã phản đối kêu gọi cắt giảm lãi suất của ông Srettha trong khi thúc giục ông thực hiện chương trình kích thích có mục tiêu hơn.
Dù tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong 5 quý trong quý 2, nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á vẫn tiếp tục tụt hậu so với tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế láng giềng.
Ông Pichai Chunhavajira, người tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Tài chính tạm thời trong khi bà Paetongtarn hoàn thiện nội các của mình, mô tả nền kinh tế trị giá 500 tỷ USD của Thái Lan là “gần khủng hoảng”./.
Thái Lan thu hút đầu tư vào Hành lang kinh tế phía Đông
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Phumtham Wechayachai cho biết, ông sẽ sớm tổ chức một cuộc họp với Ủy ban chính sách EEC để thông qua gói khuyến khích mới.