Thái Lan và Pháp lên kế hoạch sẵn sàng sơ tán công dân khỏi Vũ Hán

Máy bay vận tải và các đội y tế của Thái Lan đã sẵn sàng cất cánh tới Vũ Hán ngay khi chính phủ bật đèn xanh cho kế hoạch sơ tán công dân khỏi thành phố này.
Thái Lan và Pháp lên kế hoạch sẵn sàng sơ tán công dân khỏi Vũ Hán ảnh 1Hành khách đeo khẩu trang để phòng tránh sự lây lan của virus corona tại sân bay Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 21/1/2020. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Không quân Thái Lan đã chuẩn bị 4 máy bay vận tải C130 cùng các đội y tế để đề phòng trường hợp nước này quyết định không vận công dân Thái Lan khỏi thành phố Vũ Hán khi dịch bệnh viêm phổi do chủng virus corona mới (2019-nCoV) trở nên trầm trọng hơn ở Trung Quốc.

Truyền thông sở tại dẫn lời lời Tư lệnh Không quân Maanat Wongwat ngày 26/1 cho biết, máy bay vận tải và các đội y tế đã sẵn sàng cất cánh tới Vũ Hán ngay khi chính phủ bật đèn xanh cho kế hoạch sơ tán.

Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwon cùng ngày cho biết Chính phủ nước này đang cân nhắc kế hoạch giúp công dân Thái ở Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc.

Theo Bộ Ngoại giao Thái Lan, có tổng cộng 64 người Thái, gồm 54 sinh viên và 10 lao động đang ở Vũ Hán.

Ngoài ra, Hải quân Thái Lan cho biết có 20 sỹ quan của nước này ở Vũ Hán để giám sát quá trình đóng tàu ngầm S26T lớp Yuan mà Bangkok ký hợp đồng mua của Bắc Kinh từ năm 2017, nhưng không bị ảnh hưởng bởi 2019-nCoV vì họ sống trong một môi trường an toàn trước dịch này.

Kế hoạch sơ tán của Thái Lan sẽ trở nên rõ ràng hơn khi Trung tâm phản ứng nhanh bao gồm các quan chức từ một số cơ quan nhóm họp vào ngày 27/1.

Việc thành lập trung tâm này phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng sau khi có thêm người bị nghi nhiễm 2019-nCoV.

Thái Lan đã ghi nhận số lượng người bị nhiễm 2019-nCoV nhiều nhất bên ngoài Trung Quốc, với 8 trường hợp.

Mặc dù chưa có trường hợp nào lây nhiễm từ người sang người được ghi nhận ở Thái Lan, nhưng Bộ Y tế nước này vẫn tiếp tục cảnh giác và thực hiện các biện pháp soi chiếu thân nhiệt để phát hiện 2019-nCoV, đặc biệt là đối với những người từ những khu vực có nguy cơ ở Trung Quốc.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul đã có một cuộc họp với các quan chức của các bộ Y tế, Giao thông, Du lịch và Thể thao, cùng các cơ quan liên quan để thảo luận các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của 2019-nCoV ở quốc gia Đông Nam Á này.

Theo kế hoạch, các biện pháp nói trên sẽ được trình lên Nội các Thái Lan vào ngày 28/1.

Ngày 26/1, Pháp thông báo nước này đang chuẩn bị kế hoạch sơ tán hàng trăm công dân từ tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, nơi được coi là trung tâm của dịch bệnh viêm phổi do virus corona.

Phát biểu trong cuộc họp báo, Bộ trưởng Y tế Pháp Agnes Buzyn cũng cho biết bất cứ lệnh cấm nào nhằm vào các chuyến bay từ Trung Quốc sẽ được đưa ra từ Liên minh châu Âu, đồng thời khẳng định Paris bác bỏ lời kêu gọi lắp máy kiểm tra thân nhiệt của các hành khách từ Trung Quốc.

Bà nhấn mạnh: “Các công dân Pháp sẽ được sơ tán bằng đường hàng không theo thỏa thuận giữa chính phủ Pháp với chính phủ Trung Quốc. Quá trình này sẽ diễn ra vào tuần tới.”

[Thông tin về sức khỏe của lưu học sinh Việt Nam tại Vũ Hán]

Hiện Pháp có từ vài trăm đến 800 công dân đang sinh sống ở thành phố Vũ Hán. Theo đánh giá, quá trình sơ tán sẽ mất khoảng 14 ngày, trong đó gồm cả quá trình theo dõi sức khỏe các hành khách trở về từ thành phố này.

Cũng tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Y tế Pháp xác nhận nước này tới nay mới phát hiện 3 ca nhiễm virus corona, đều là công dân Trung Quốc. Hiện chưa có thêm trường hợp phát hiện mới nào được xác nhận tại Pháp trong những giờ đồng hồ qua.

Trước Pháp, một số nước như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng lên kế hoạch sơ tán công dân đang mắc kẹt tại thành phố Vũ Hán. Hiện thành phố của Trung Quốc đang bị phong tỏa bởi yêu cầu tạm ngừng các hoạt động giao thông từ chính phủ cho tới khi có thông báo tiếp theo.

Tờ Sonntagsblick đưa tin virus corona lan ra bên ngoài Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về đại dịch toàn cầu buộc Thụy Sĩ phải thắt chặt các quy tắc báo cáo y tế. 

Patrick Mathys, người đứng đầu bộ phận quản lý khủng hoảng tại Văn phòng Sức khỏe Cộng đồng Liên bang, cho biết các bác sĩ và các phòng xét nghiệm phải báo cáo các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus corona cho chính quyền bang và liên bang trong vòng hai giờ. 

Quan chức y tế hàng đầu của chính phủ đã cảnh báo dịch bệnh có thể lan sang Thụy Sĩ, một điểm đến phổ biến đối với khách du lịch châu Á.

"Chúng tôi cũng đang liên lạc với các công ty lữ hành tổ chức các tour du lịch theo nhóm từ châu Á đến Thụy Sĩ," ông Mathys nói thêm rằng việc kiểm soát tại các sân bay phải được phối hợp trên khắp châu Âu. 

Ông Mathys cho rằng rủi ro bằng không là không thể và Thụy Sĩ đã chuẩn bị tốt cho trường hợp xấu nhất. "Chúng tôi có các bệnh viện lớn được trang bị tốt có thể xử lý các trường hợp nhiễm virus corona," ông Mathys nói với tờ báo Sonntagsblick. 

Bộ trưởng Nội vụ Thụy Sĩ Alain Berset cũng cho biết Thụy Sĩ đã chuẩn bị tốt để đối mặt với bất kỳ sự bùng phát nào của virus corona và sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực quốc tế để ngăn chặn đại dịch. 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định ngày 23/1 cho rằng dịch không phải là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, nhưng được coi là một cuộc khủng hoảng cục bộ. Tuy nhiên, WHO nói rằng tình hình có thể sẽ trở thành một trường hợp khẩn cấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục