Nội các Thái Lan ngày 28/5 đã thông qua dự thảo hợp đồng trị giá 225 tỷ baht xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối ba sân bay lớn là Don Mueang (thuộc Bangkok), Suvarnabhumi (thuộc tỉnh Samut Prakan, cách Bangkok 25km) và U-Tapao (thuộc tỉnh Rayong).
Truyền thông sở tại cho biết tổ hợp do Tập đoàn Charoen Pokphan (CP) lãnh đạo dự kiến sẽ cùng Công ty đường sắt nhà nước Thái Lan (SRT) ký hợp đồng đường sắt cao tốc do Văn phòng dự án Hàng lang Kinh tế Phía Đông (EEC) đề xuất này vào ngày 15/6.
Theo hợp đồng này, SRT sẽ chi 149 tỷ baht trong vòng 10 năm. Sau thời hạn liên doanh 50 năm, dự án sẽ thuộc về Chính phủ với hệ số thu nhập trên đầu tư (ROI) khoảng 300 tỷ baht.
Tổ hợp do CP lãnh đạo bao gồm Tập đoàn xây dựng đường sắt Trung Quốc, Công ty đường cao tốc và tàu điện ngầm Bangkok, Công ty xây dựng Italian-Thai Development, Công ty xây dựng Ch. Karnchang, Tập đoàn đầu tư cơ sở hạ tầng hải ngoại Nhật Bản dành cho phát triển giao thông và đô thị, Tập đoàn Citic, Siemens, Hyundai và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản.
[Nhà ga đường sắt lớn nhất Đông Nam Á sẽ hoạt động từ năm 2020]
Dự án xây dựng tuyến đường sắt nói trên là một trong số 5 dự án lớn trong kế hoạch phát triển Hành lang Kinh tế phía Đông của Chính phủ Thái Lan, cùng với dự án thành phố hàng không U-tapao trị giá 290 tỷ baht, một trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu trị giá 10,6 tỷ baht, giai đoạn ba của cảng biển Laem Chabang trị giá 114 tỷ baht và giai đoạn ba cảng biển Map Ta Phut trị giá 55,4 tỷ baht.
Phát biểu tại một hội thảo mới đây, Giám đốc điều hành CP Suphachai Chearavanont nói rằng dự án đường sắt cao tốc này sẽ đóng góp vào sự phát triển đô thị và sự phân phối phúc lợi và thu nhập một cách công bằng hơn.
Ngoài ra, Thái Lan cũng sẽ được hưởng lợi từ các nhà đầu tư nước ngoài khi họ mang tri thức vào cải thiện kỹ năng của công nhân địa phương.
Ông Suphachai Chearavanont cũng cho biết dự án này sẽ biến Thái Lan thành một trung tâm khu vực trong ASEAN, đồng thời sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng trong nhóm CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam).
Tuy nhiên, theo tờ Bangkok Post, dân địa phương bị ảnh hưởng bởi dự án phát triển đường sắt cao tốc đã kêu gọi Chính phủ tiết lộ các chi tiết của hợp đồng liên doanh và cho phép người địa phương có tiếng nói trong dự án.
EEC là kế hoạch đầu tư quan trọng nhất của Chính phủ Thái Lan, trải rộng trên các tỉnh miền Đông là Chon Buri, Rayong và Chachoengsao với mục tiêu biến các tỉnh này thành những trung tâm công nghệ, chế tạo và dịch vụ được kết nối với các nước láng giềng ASEAN bằng đường bộ, đường biển và hàng không vào năm 2021./.