Thái Lan thành lập Ủy ban AI Quốc gia mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng

Quan chức Thái Lan cho biết: “Thái Lan ưu tiên phát triển công nghệ kỹ thuật số và AI để giúp nền kinh tế kỹ thuật số trở thành động lực tăng trưởng, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của đất nước."
Toàn cảnh buổi lễ công bố một số kết quả của dự án “Chiến dịch Du lịch Số” tại Thái Lan, hồi tháng 10 năm ngoái. (Ảnh: Huy Tiến/TTXVN)

Bộ Kinh tế và Xã hội Kỹ thuật Số Thái Lan (DES) đang chuẩn bị thành lập Ủy ban Trí tuệ Nhân tạo (AI) Quốc gia mới để đẩy nhanh chiến lược phát triển AI.

Động thái này là một phần trong kế hoạch đưa Thái Lan trở thành trung tâm AI và nền kinh tế kỹ thuật số của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời sử dụng kinh tế kỹ thuật số như một động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Bên cạnh đó, DES sẽ triển khai nền tảng căn cước (ID) kỹ thuật số để hỗ trợ đề án ví kỹ thuật số của Chính phủ trong thời gian tới.

Bộ trưởng DES Prasert Jantararuangtong cho biết: “Thái Lan ưu tiên phát triển công nghệ kỹ thuật số và AI để giúp nền kinh tế kỹ thuật số trở thành động lực tăng trưởng, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của đất nước, triển khai hiệu quả các giao dịch điện tử cũng như phát triển lực lượng lao động kỹ thuật số.”

Một trong những bước đi quan trọng trong chính sách này là việc thành lập một ủy ban với tên gọi "Cloud First" với sự tham gia của đại diện các cơ quan nhà nước có liên quan.

Ủy ban này sẽ thành lập và hướng dẫn việc triển khai các chính sách, tiêu chuẩn cho đám mây, cũng như các quy tắc mua sắm và bảo mật để hỗ trợ mô hình sử dụng đám mây.

Ông Prasert lưu ý thêm rằng các cơ quan liên quan đang chuẩn bị ngân sách cho việc ưu tiên sử dụng dịch vụ đám mây và hành lập ủy ban AI mới, trước khi trình nội các phê duyệt.

Dự kiến, ủy ban AI mới sẽ được thành lập trong tháng Sáu tới, trực tiếp do Thủ tướng Setttha Thavisin lãnh đạo cùng sự tham gia của nhiều cơ quan, ban, ngành. Ủy ban AI Quốc gia được thành lập trước đó của Thái Lan đã bị giải tán sau khi có sự thay đổi về Chính phủ sau cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 5/2023.

Một chính sách hàng đầu khác của Thái Lan trong chiến lược phát triển AI là việc phát triển nền tảng dịch vụ quốc gia, mô hình ngôn ngữ lớn của Thái Lan và chuẩn bị các hướng dẫn về luật, quy định liên quan trong lĩnh vực AI.

DES đặt mục tiêu 50% công dân Thái Lan sử dụng ID kỹ thuật số vào năm 2024 và 100% vào năm 2025. Đến quý 3 năm nay, DES dự kiến sử dụng ứng dụng ID kỹ thuật số cho đề án ví kỹ thuật số.

Bộ này cũng sẽ thúc đẩy chương trình thị thực với tên gọi “Tài năng kỹ thuật số toàn cầu,” nhằm thu hút 50.000 chuyên gia kỹ thuật số đến làm việc tại Thái Lan.

Tháng 12/2022, Ủy ban Kinh tế và Xã hội Số Quốc gia Thái Lan đã nhất trí thông qua bản kế hoạch 5 năm giai đoạn 2023-2027.

Mục tiêu là đưa Thái Lan lọt vào nhóm 30 của Bảng xếp hạng cạnh tranh kỹ thuật số thế giới, đứng thứ ba trong ASEAN và đưa mức đóng góp của nền kinh tế kỹ thuật số vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 30%.

Hiện tại, Thái Lan đang bước vào giai đoạn hai của kế hoạch này.

OECD: AI đang thay đổi cách người lao động làm việc

Trong một diễn biến liên quan, theo một báo cáo mới của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), việc ứng dụng AI trong các công ty đang thay đổi cách người lao động triển khai và sắp xếp công việc của mình.

Điều này đòi hỏi các kỹ năng mới, bao gồm các kỹ năng về AI, có kiến thức và năng lực để chủ động phát triển cũng như duy trì các mô hình AI.

Với tốc độ phát triển của AI như hiện nay, những công việc cũ có thể giảm nhưng đồng thời hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội cho các cá nhân và công ty trên toàn thế giới.

Nhờ tính năng giúp tự động hóa những công việc thủ công, thu thập, tổng hợp dữ liệu… của AI, người lao động có thêm thời gian cho hoạt động sáng tạo.

Việc ứng dụng AI trong các công ty đang thay đổi cách người lao động triển khai và sắp xếp công việc của mình. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dựa trên các dữ liệu mà máy móc đã tổng hợp, các ngành nghề đòi hỏi tư duy sâu, phân tích dữ liệu xuất hiện và mở ra cơ hội cho thêm nhiều người.

Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết một nghiên cứu gần đây của IMF cho thấy AI có thể ảnh hưởng tới 40% việc làm trên toàn thế giới và 60% ở các nền kinh tế tiên tiến.

Trong khi đó, theo nhận định của chuyên gia thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), các công việc đòi hỏi kỹ năng thấp có nguy cơ cao nhất rơi vào tay AI, nhưng theo thời gian, AI sẽ dần dần có tác động tích cực, với sự phát triển dự kiến tạo ra khoảng 69 triệu việc làm vào năm 2027.

Trước những chuyển biến nhanh chóng của thị trường, WEF nhận thấy doanh nghiệp đang tăng cường đào tạo nhân viên nhằm nâng cao tay nghề để theo kịp nhu cầu của thời đại và khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực trong các lĩnh vực quan trọng.

AI cũng có thể là cú hích tạo ra các ngành công nghiệp mới, kích thích tăng trưởng của các nền kinh tế.

Ngoài ra, các công cụ AI cũng là động lực để chính người lao động tự nâng cao kỹ năng và đào tạo lại chuyên môn của bản thân.

Khi công nghệ này trở nên phố biến, người lao động cũng phải tìm cách thích ứng để duy trì tính cạnh tranh trên thị trường việc làm.

Song song với việc nắm bắt các công nghệ mới sẽ là đầu tư vào các chương trình giáo dục, bởi điều này sẽ tạo ra một thị trường việc làm năng suất, hiệu quả và công bằng hơn, mang lại lợi ích không chỉ cho mỗi cá nhân mà còn toàn xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục