Công ty điện lực quốc gia Thái Lan (Egat) vừa ký hợp đồng phát triển dự án “điện lai” nổi lớn nhất thế giới trên đập thủy điện Sirindhorn ở tỉnh Ubon Ratchathani thuộc vùng Đông Bắc của nước này.
Dự án “điện lai” này, do một tổ hợp của hai công ty B.Grimm Power và Energy China thực hiện, có công suất 45MW từ các tấm pin Mặt Trời lắp đặt nổi trên bề mặt đập Sirindhorn với giá thành đầu tư 842 triệu baht (gần 27,74 triệu USD).
Diện tích mặt nước dành để lắp đặt các tấm pin Mặt Trời dự kiến là 72ha, tương đương với công trình tương tự trên mặt đất.
[Thái Lan chuẩn bị xây dựng kho chứa LNG trên biển đầu tiên]
Truyền thông sở tại dẫn lời Phó giám đốc phụ trách phát triển nhà máy điện và năng lượng tái tạo, ông Thepparat Theppitak, cho biết đập Sirindhorn là dự án thí điểm của hệ thống “điện lai,” với 45MW từ điện Mặt Trời và 36MW từ thủy điện, nhằm tối đa hóa công suất. Egat hy vọng các tấm pin Mặt Trời có thể bắt đầu phát điện từ tháng 12/2020.
Theo ông Thepparat, Egat cam kết lắp đặt các trang trại điện Mặt Trời nổi trên 9 đập thủy điện trên toàn quốc với tổng công suất lên tới 2.725MW. Tập đoàn này cũng có kế hoạch lắp đặt hệ thống quản lý và lưu trữ năng lượng trong những năm tới.
Là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á, Thái Lan trong hơn 10 năm qua đã thúc đẩy sản xuất điện Mặt Trời trên toàn quốc bằng những chiến lược và chương trình quốc gia cụ thể như dự án “Mái nhà” và chính sách mua lại điện phát từ những tấm pin Mặt Trời của các hộ dân.
Bộ Năng lượng Thái Lan kỳ vọng các nguồn điện tái tạo sẽ đóng góp tổng cộng 29.358 MW, chiếm tới 33% công suất sản xuất điện của Thái Lan vào năm 2037, tăng 10% so với năm 2017.
Trong số các nguồn điện tái tạo được hòa vào mạng lưới quốc gia vào năm 2037, điện Mặt Trời đóng góp 15.574MW, điện sản xuất từ khí sinh học là 5.786MW, phong điện cung cấp 2.989MW, thủy điện từ các nhà máy của Thái Lan và Lào mang lại 3.000MW, và điện sản xuất từ chất thải chiếm 900MW./.