Thái Lan, Pháp, Đan Mạch đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng phòng COVID-19

Thái Lan đặt mục tiêu vào đầu tháng 10/2021 sẽ có 50 triệu người được tiêm liều vaccine đầu tiên, trong khi Đan Mạch cho biết sẽ đề nghị tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho lứa tuổi từ 12-15.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thái Lan đặt mục tiêu vào đầu tháng 10/2021 sẽ có 50 triệu người được tiêm liều vaccine đầu tiên. Trong khi Đan Mạch cho biết sẽ đề nghị tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho lứa tuổi từ 12-15. Tại Pháp,  việc tiêm vaccine phòng COVID-19 có thể là bắt buộc đối với các nhân viên y tế không muốn tiêm phòng.

Thái Lan: 7,3% dân số đã được tiêm vaccine

Theo Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA), nước này đến nay đã tiêm 7.003.783 liều vaccine ngừa COVID-19.

Tính đến ngày 16/6, tổng cộng 5,1 triệu người ở Thái Lan, chiếm 7,3% trong gần 70 triệu dân số nước này, đã được tiêm liều vaccine phòng COVID-19 đầu tiên.

Tối 16/6, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha thông báo nước này sẽ mở cửa đón du khách nước ngoài trở lại trong bốn tháng nữa.

Nhà lãnh đạo Thái Lan cho biết để đạt được mục tiêu này, trung bình 10 triệu liều vaccine dự kiến sẽ được tiêm mỗi tháng từ tháng Bảy trở đi và đặt mục tiêu vào đầu tháng 10 tới sẽ có 50 triệu người được tiêm liều vaccine đầu tiên.

[Thái Lan cảnh báo sự lây lan của dịch COVID-19 trong các nhà máy]

Theo CCSA, Thái Lan ngày 17/6 ghi nhận thêm 3.129 ca nhiễm mới và 30 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 207.724 ca và 1.555 ca tử vong.

CCSA cho biết các biện pháp cách ly đối với cả khách du lịch Thái lan và du khách quốc tế sẽ được nới lỏng từ tháng tới.

Pháp: Tiêm chủng là cần thiết và mang tính đạo đức

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cảnh báo việc tiêm vaccine phòng COVID-19 có thể là bắt buộc đối với các nhân viên y tế không muốn tiêm phòng.

Ông Veran cảnh báo những nhân viên y tế này "chớ có liều lĩnh," đặc biệt là những nhân viên y tế làm việc trong các nhà dưỡng lão trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng nhân viên y tế ở các nhà dưỡng lão thấp trong nhóm người trưởng thành được tiêm chủng.

Theo Bộ trưởng Veran, việc tiêm chủng là cần thiết và mang tính đạo đức vì những người này tiếp xúc với thường xuyên với người cao tuổi, đối tượng dễ bị lây nhiễm. Người cao tuổi là đối tượng chịu tác động nghiêm trọng của làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên và thứ hai ở Pháp hồi năm ngoái trước khi nước này tiến hành chương trình tiêm chủng quy mô và thực hiện giãn cách xã hội.

Lời cảnh báo trên được đưa ra vào ngày đầu tiên khi người dân ở Pháp được phép rời khỏi nhà mà không phải đeo khẩu trang nhờ chiến dịch tiêm chủng được tăng tốc và số ca nhiễm mới thuyên giảm.

Theo ông Veran, số ca nhiễm mới trong ngày 16/6 là trên 3.000 ca và dự đoán con số này sẽ giảm xuống 2.000 ca trong vòng một tuần và xuống 1.000 ca vào cuối tháng này.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Ishoj, Đan Mạch. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hiện, người dân có thể không phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, song vẫn có một số ngoại lệ như khi đến trung tâm mua sắp nhộn nhịp hay tham gia các sự kiện đông người. Quy định bắt buộc đeo khẩu trang vẫn có hiệu lực trong không gian kín và trên phương tiện giao thông công cộng.

Dự kiến, vào ngày 20/6 tới, Pháp sẽ dỡ bỏ lệnh giới nghiêm vào lúc 23h hàng ngày, sớm một tuần so với kế hoạch.

Đan Mạch: Đề nghị tiêm vaccine cho lứa tuổi từ 12-15

Ngày 17/6, Cơ quan y tế Đan Mạch cho biết sẽ đề nghị tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho lứa tuổi từ 12-15 sau khi nhóm người trưởng thành được tiêm chủng nhằm tăng khả năng miễn dịch trước khi mùa Đông tới.

Phát biểu tại cuộc họp báo, người đứng đầu Cơ quan trên, ông Soren Brostrom nêu rõ: "Việc mở rộng nhóm tiêm chủng tới lứa tuổi 12-15 là cần thiết nhằm đảm bảo khả năng miễn dịch lớn hơn trong dân số và do vậy giúp đảm bảo kiểm soát được dịch bệnh tại Đan Mạch." Theo ông, việc tiêm chủng cho lứa tuổi này sẽ được bắt đầu sau khi hoàn tất tiêm đầy đủ hai liều vaccine cho nhóm người trưởng thành vào giữa tháng Chín.

Giới chức y tế Đan Mạch cho biết nước này ban đầu sẽ chỉ đề nghị tiêm vaccine Pfizer/BioNTech cho lứa tuổi 12-15 vì đây là vaccine duy nhất được Cơ quan quản lý Dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) cấp phép sử dụng cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Trong khi đó, EMA dự kiến trong tháng tới sẽ công bố quyết định sử dụng vaccine Moderna cho lứa tuổi này.

Đến nay, gần một nửa dân số Đan Mạch đã tiêm liều vaccine đầu tiên trong khi hơn 1/4 dân số đã tiêm đủ hai liều./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục