Thái Lan phấn đấu trở thành trung tâm thực phẩm chế biến của ASEAN

Với kế hoạch hành động này, Thái Lan mong muốn trở thành một trung tâm thực phẩm chế biến của ASEAN và trở thành một trong 10 nước xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới vào năm 2027.
Gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Thái Lan. (Nguồn: AFP)
Gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Thái Lan. (Nguồn: AFP)

Nội các Thái Lan vừa thông qua một chương trình hành động cho phát triển ngành công nghiệp thực phẩm chế biến trong giai đoạn 2019-2027 với ngân sách hỗ trợ lên tới 6,6 tỷ baht (203 triệu USD) nhằm đưa quốc gia Đông Nam Á này trở thành trung tâm thực phẩm chế biến ở ASEAN.

Theo nữ phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Rachada Dhanadirek, mục tiêu của kế hoạch hành động là nâng cấp việc chế biến những thực phẩm được lựa chọn như gạo, sản phẩm ngư nghiệp, rau xanh và trái cây, vật nuôi và thực phẩm sinh học, đồng thời đẩy mạnh kỹ thuật đóng gói thực phẩm và công nghệ số nhằm hỗ trợ cho thực phẩm sáng tạo.

Kế hoạch cũng tập trung vào phát triển thực phẩm sáng tạo tới quy mô thương mại cũng như phát triển kỹ thuật đóng gói thông minh.

[Bộ Thương mại Thái Lan thúc đẩy thông qua đề xuất tham gia CPTPP]

Chính phủ Thái Lan còn cam kết hỗ trợ tất cả các cấp doanh nghiệp tiếp cận các thị trường địa phương và toàn cầu bằng cách sử dụng những nền tảng số hiện tại, đồng thời phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp và du lịch thực phẩm cũng như nâng cấp thực phẩm Thái Lan để đạt được tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới.

Với kế hoạch hành động này, Thái Lan mong muốn trở thành một trung tâm thực phẩm chế biến của ASEAN và trở thành một trong 10 nước xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới vào năm 2027.

Truyền thông sở tại ngày 29/4 dẫn lời nữ phát ngôn Rachada cho biết Chính phủ Thái Lan dự định phân bổ 6,6 tỷ baht (203 triệu USD) trong chín năm để thực hiện kế hoạch hành động, trong đó khu vực tư nhân có thể đóng góp 2,22 tỷ baht (68 triệu USD).

Thái Lan phấn đấu trở thành trung tâm thực phẩm chế biến của ASEAN ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Chính phủ cũng sẽ thành lập một ủy ban quốc gia để giám sát việc phát triển thực phẩm chế biến nhằm đảm bảo phù hợp với kế hoạch hành động.

Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu ngành thực phẩm mang lại 1.420 tỷ baht (43,8 tỷ USD) doanh thu vào năm 2027, trong khi các ngành công nghiệp thực phẩm liên quan như đóng gói sẽ đóng góp 4.500 tỷ baht (138,74 tỷ USD) và đầu tư trị giá 48 tỷ baht (1,47 tỷ USD) mỗi năm.

Thái Lan hiện là nước xuất khẩu thực phẩm lớn thứ 11 thế giới. Giá trị thực phẩm xuất khẩu của nước này hiện ở mức trung bình 1.000 tỷ baht mỗi năm, trong khi thực phẩm được chế biến trong nước thu về 2.000 tỷ baht trong thị trường nội địa.

Thị trường nội địa có thể mở rộng do dân số Thái Lan hiện ở mức 70 triệu người và “xứ sở chùa Vàng” hàng năm đón nhiều du khách nước ngoài.

Gạo chiếm phần lớn nhất trong cơ cấu xuất khẩu thực phẩm của Thái Lan, khoảng 17,5%, tiếp theo là gà, đường, cá ngừ chế biến, bột sắn và tôm.

Thị trường xuất khẩu thực phẩm lớn nhất của Thái Lan là Nhật Bản, tiếp theo là Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Myanmar, Campuchia, Malaysia và Philippines.

Giá trị xuất khẩu thực phẩm của Thái Lan năm 2019 đạt 33,1 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2018.

Thực phẩm xuất khẩu của Thái Lan chiếm 2,5% thương mại thực phẩm của thế giới. Giá trị thương mại thực phẩm toàn cầu trong năm 2019 là 1.300 tỷ USD, giảm 0,6%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục