Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, ngày 19/7, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã ra lệnh đình chỉ tạm thời tư cách nghị sỹ của ứng cử viên thủ tướng Pita Limjaroenrat, sau khi chấp nhận một vụ kiện chống lại ông này với cáo buộc ông không đủ tiêu chuẩn để tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử ngày 14/5.
Tòa án Hiến pháp đưa ra quyết định đình chỉ trong lúc Quốc hội Thái Lan đang tranh luận về vấn đề liệu ông Pita có đủ điều kiện để được tái đề cử ứng cử viên thủ tướng trong cuộc bỏ phiếu ngày 19/7 hay không.
Trong tuyên bố, Tòa án Hiến pháp cho biết ông Pita có 15 ngày để trả lời tòa.
[Ủy ban bầu cử Thái Lan đưa vụ kiện ông Pita lên Tòa án Hiến pháp]
Trước đó, nhà lãnh đạo của đảng giành được nhiều ghế nhất trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua này khẳng định việc ông sở hữu cổ phần trong một công ty truyền thông không vi phạm các quy tắc bầu cử.
Trong cuộc bỏ phiếu ngày 14/7 vừa qua, ông Pita là ứng cử viên thủ tướng duy nhất được đề cử, nhưng đã không giành được đủ 376 phiếu cần thiết để đắc cử.
Theo quy định, một ứng cử viên thủ tướng sẽ đắc cử khi giành được đa số ủng hộ của 2 viện Quốc hội Thái Lan hoặc ít nhất 376 phiếu.
Ông Pita sau đó tuyên bố sẽ rút khỏi vị trí ứng cử thủ tướng nếu hai viện Quốc hội không tán thành ông trong cuộc bỏ phiếu tới.
Trước đó, nhà hoạt động chính trị Ruangkrai Leekitwattana đã đệ đơn khiếu nại ông Pita lên Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC), cho rằng nhà lãnh đạo đảng Tiến bước không đủ điều kiện tham gia tranh cử vì nắm giữ 42.000 cổ phiếu trong công ty truyền thông iTV Plc.
Hiến pháp Thái Lan cấm các ứng cử viên tranh cử vào Hạ viện sở hữu cổ phần trong các công ty truyền thông.
Phản ứng sau quyết định của EC, cùng ngày 12/7, đảng Tiến bước cho biết sẽ kiện EC vì đã tìm kiếm phán quyết từ Tòa án Hiến pháp đối với ông Pita mà không cho phép ông tự bào chữa trước.
Vụ kiện ông Pita được EC gửi lên Tòa án Hiến pháp trong bối cảnh hai viện Quốc hội Thái Lan sẽ tiến hành cuộc họp chung để bầu thủ tướng mới vào ngày 13/7 và ông Pita là ứng cử viên hàng đầu.
Mặc dù theo Hiến pháp Thái Lan, một ứng cử viên thủ tướng không nhất thiết phải là nghị sỹ, song giới quan sát nhận xét động thái của EC ngay sát ngày bầu cử thủ tướng có thể ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn của các nghị sỹ.
Ông Pita là ứng cử viên chính của liên minh 8 đảng do đảng MFP dẫn đầu với tổng cộng 312 ghế Hạ viện.
Tuy nhiên, một điều khoản trong Hiến pháp Thái Lan cho phép Thượng viện cùng bầu thủ tướng với Hạ viện và ứng cử viên thắng cử phải giành được sự ủng hộ của đa số từ cả 2 viện hoặc ít nhất 376 phiếu bầu./.