Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, mực nước sông Mekong tại tỉnh Nakhon Phanom ở vùng Đông Bắc Thái Lan giáp với Lào đã cạn đến mức tới hạn, chỉ đo được 1,5m vào ngày 29/10, thấp hơn so với mực nước cùng thời điểm những năm trước.
Truyền thông sở tại cho biết tình trạng thiếu mưa cũng khiến cho rất nhiều hồ chứa nước tại tỉnh này chỉ còn duy trì được 20-30% công suất thiết kế, trong khi các phụ lưu của sông Mekong cũng đang cạn nước.
Nước cạn đã khiến cho nhiều đụn cát trong lòng sông nổi lên ở một số khúc sông Mekong tại huyện Muang, gây trở ngại cho giao thông đường thủy của các tàu hàng và thuyền đánh cá.
Chủ tịch Câu lạc bộ bảo tồn môi trường tỉnh Nakhon Phanom, ông Arthit Phanasoon, được dẫn lời nói rằng mực nước sông Mekong hiện đang ở mức thấp nhất trong gần 100 năm qua.
[Nguồn nước tại thành phố có độ cao nhất thế giới đang cạn kiệt]
Với tình trạng này, hệ sinh thái của sông sẽ bị tàn phán nghiêm trọng vì cá không thể di cư lên thượng nguồn để đẻ trứng. Đồng thời, cuộc sống của ngư dân cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Cuối tháng Bảy vừa qua, mực nước sông Mekong đoạn chảy qua Nakhon Phanom cũng đã xuống mức thấp nhất trong gần 100 năm, mặc dù thời điểm đó đang là giữa mùa mưa.
Mực nước sông xuống thấp đã làm lộ phiến đá to có khắc dấu chân Đức Phật ở giữa lòng sông tại làng Woen Phra Bat thuộc huyện Tha Uthen.
Phiến đá có khắc dấu chân Phật này được cho là đã tồn tại hơn 2.000 năm qua và được nhân dân ở cả hai bên bờ sông hết sức gìn giữ.
Phiến đá này thường chỉ được nhìn thấy vào mùa khô vào thời gian giữa tháng Ba và tháng Tư./.