Thái Lan nghiên cứu áp thuế đối với các loại thực phẩm 'mặn'

Sau thành công của “thuế ngọt,” Thái Lan đang lên kế hoạch nghiên cứu các biện pháp thu thuế đối với các loại thực phẩm "mặn” (thuế natri) để thay đổi hành vi của người tiêu dùng.
Thái Lan nghiên cứu áp thuế đối với các loại thực phẩm 'mặn' ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Bangkokpost)

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Thái Lan đang lên kế hoạch nghiên cứu các biện pháp thu thuế đối với các loại thực phẩm "mặn” (thuế natri) để thay đổi hành vi của người tiêu dùng và ngành công nghiệp chế biến thực phẩm có thành phần natri theo hướng đưa ra những lựa chọn lành mạnh hơn.

Biện pháp này được nghiên cứu sau thành công của “thuế ngọt” đối với đồ uống có đường được thực hiện từ năm 2017.

Ông Ekniti Nitithanprapas, phụ trách Cục thuế Tiêu thụ Đặc biệt thuộc Bộ Tài chính Thái Lan, cho biết "thuế natri" sẽ được áp tương tự thuế đối với đồ uống có đường, tăng tỷ lệ thuận với tỷ lệ natri được sử dụng. Thuế sẽ được thu theo tỷ lệ lũy tiến, bắt đầu với các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn như mỳ ăn liền, đồ ăn nhẹ và thực phẩm đông lạnh.

[Thái Lan lập đơn vị chuyên trách theo dõi các yếu tố tác động tới giá]

Theo các nghiên cứu khoa học, việc tiêu thụ quá nhiều natri sẽ dẫn đến huyết áp cao và bệnh thận.

Trong khi đó, người Thái Lan trung bình tiêu thụ 3.600 miligam natri mỗi ngày, gần gấp đôi mức 2.000mg/ngày được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị.

Thói quen sử dụng nhiều muối trong ăn uống cũng tạo gánh nặng đối với chi phí điều trị y tế, theo đó Chính phủ Thái Lan hiện phải chi khoảng 36 tỷ baht (hơn 1 tỷ USD) mỗi năm cho ngân sách y tế, bao gồm chi phí cho điều trị lọc thận.

Do đó, Bộ Tài chính nước này có kế hoạch hợp tác với Bộ Y tế để cùng thiết lập các tiêu chuẩn về lượng natri hằng ngày.

Theo ông Ekniti, “thuế ngọt” áp dụng với các mặt hàng đồ uống có đường đã có hiệu quả trong việc giảm lượng đường tiêu thụ của người Thái Lan.

Nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Dân số và Xã hội thuộc trường Đại học Mahidol thực hiện cho thấy 5 năm trước đây, mức tiêu thụ đồ uống có hàm lượng đường từ 10-14g/100ml ở Thái Lan là 2,99 tỷ lít mỗi năm, cao gấp 4 lần so với 728 triệu lít mỗi năm hiện nay.

“Thuế ngọt” đang được áp dụng ở giai đoạn thứ 3, kéo dài từ ngày 1/4/ 2023 đến ngày 31/3/2025, với tỷ lệ lũy tiến dựa trên hàm lượng đường trong sản phẩm.

Đồ uống có hàm lượng đường từ 6-8 gram/100ml bị đánh thuế 30 satang/lít (100 satang = 1 baht), hàm lượng 8-10g/100ml bị đánh thuế 1 baht/lít, hàm lượng 10-14g/100ml bị đánh thuế 3 baht/lít, 14-18g/100ml bị đánh thuế 5 baht mỗi lít, và hơn 18g đường bị đánh thuế 5 baht mỗi lít.

Người Thái Lan trung bình tiêu thụ 20 thìa càphê đường mỗi ngày, cao gấp hơn 3 lần so với mức khuyến nghị 6 thìa càphê (tương đương 24g) mỗi ngày của WHO./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục