Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Tòa án Hiến pháp của Thái Lan ngày 29/6 đã khẳng định tính hợp hiến của đạo luật trưng cầu dân ý gây nhiều tranh cãi do chính quyền quân sự nước này soạn ra trước thềm cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp mới.
Cùng ngày, Thủ tướng Thái Lan, Đại tướng Prayut Chan-ocha cũng đã cho biết phương án của chính quyền quân sự một khi dự thảo hiến pháp mới bị bác bỏ trong cuộc trưng cầu dân ý.
Trong một thông báo ngắn cho giới truyền thông, Tòa án Hiến pháp Thái Lan cho biết Điều 61 của Luật trưng cầu dân ý 2016 được thông qua hồi tháng Tư vừa qua tuân thủ các điều khoản về quyền dân sự và quyền bày tỏ quan điểm của công dân trong Hiến pháp lâm thời 2014, được chính quyền quân sự ban hành sau cuộc đảo chính.
Theo Điều 61 của Luật trưng cầu dân ý 2016 của Thái Lan, hành vi truyền bá các thông điệp mang tính "sai lệch," "thô lỗ," "kích động" hay "dọa dẫm" liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý và dự thảo hiến pháp mới sẽ bị trừng phạt nặng, thậm chí là lên đến 10 năm tù.
Phán quyết của tòa án này đã đem lại cơ sở pháp lý mà chính quyền quân sự trong vấn đề thực thi luật trưng cầu dân ý vốn được Ủy ban Bầu cử (EC) do các tướng lĩnh bổ nhiệm soạn thảo.
Chính quyền quân sự đã kêu gọi người dân Thái Lan chấp nhận hiến pháp mới, vốn bị những người chỉ trích cho là "phi dân chủ" và "không thể chấp nhận được.
Cùng ngày, phát biểu với báo giới, Thủ tướng Prayut Chan-ocha đã chấm dứt nhiều tháng im lặng về kế hoạch của chính quyền quân sự nếu dự thảo hiến pháp bị bác bỏ.
Tướng Prayut nói rằng khi đó chính phủ sẽ soạn ra bản dự thảo thứ 3 của hiến pháp mới "chiểu theo các luật lệ hiện hành."
Dự thảo hiến pháp đầu tiên đã bị bác bỏ hồi tháng 9/2015, đẩy lùi thời gian tiến hành tổng tuyển cử đến năm 2017, theo "lộ trình đến dân chủ" mà các tướng lĩnh đưa ra. Nếu dự thảo thứ 2 lại bị bác bỏ, điều đó có nghĩa là Thái Lan sẽ phải đợi thêm ít nhất vài năm nữa mới có thể tổng tuyển cử./.