Ngày 17/7, lãnh đạo đảng Tiến bước (MFP) đứng đầu liên minh tiềm năng đang tìm cách thành lập chính phủ mới ở Thái Lan, ông Pita Limjaroenrat cho biết liên minh gồm 8 đảng này đã nhất trí tiếp tục đề cử ông làm ứng cử viên thủ tướng trong cuộc họp của Quốc hội Thái Lan nhằm bầu thủ tướng mới vào ngày 19/7.
Trước đó, ở vòng bỏ phiếu thứ nhất bầu thủ tướng ngày 13/7, ông Pita là ứng cử viên duy nhất được đề cử và đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội nhưng ông chỉ giành được 324 phiếu, dưới ngưỡng tối thiểu 375 phiếu để đắc cử thủ tướng thứ 30 của Thái Lan.
Trong một diễn biến khác liên quan, ngày 17/7, Thượng nghị sỹ Somchai Sawaengkarn cho biết vấn đề liệu ông Pita có đủ điều kiện được tái đề cử làm thủ tướng trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc sắp tới hay không sẽ được đưa ra thảo luận với Chủ tịch Quốc hội Wan Muhamad Noor Matha vào ngày 18/7.
Hiến pháp Thái Lan cho phép Thượng viện gồm 250 Thượng nghị sỹ do quân đội chỉ định (hiện còn 249 Thượng nghị sỹ do một người đã tuyên bố từ chức) cùng tham gia bầu thủ tướng với Hạ viện.
Trong cuộc bỏ phiếu hôm 13/7 vừa qua, ông Pita chỉ giành được 13 phiếu ủng hộ từ các Thượng nghị sỹ, trong khi có 159 Thượng nghị sỹ bỏ phiếu trắng, 34 Thượng nghị sỹ bỏ phiếu không ủng hộ và 43 Thượng nghị sỹ không dự họp.
[Bầu cử Thái Lan: Chưa chốt chương trình làm việc của vòng bỏ phiếu 2]
Trước đó, truyền thông Thái Lan ngày 16/7 đưa tin khoảng 700 người sử dụng 500 ôtô và xe máy đã tham gia một cuộc biểu tình ở trung tâm Bangkok vào chiều 16/7 để yêu cầu các thượng nghị sỹ không tham gia bỏ phiếu bầu thủ tướng hôm 13/7 nên từ chức.
Những người biểu tình đã tập trung tại Đài Tưởng niệm Dân chủ và sau đó di chuyển đến trụ sở của quân đội và cảnh sát.
Dẫn đầu cuộc biểu tình, nhà hoạt động Arnon Nampa cho rằng nếu các thượng nghị sỹ đó từ chức, ứng cử viên thủ tướng của đảng Tiến bước (MFP) Pita Limjaroenrat đã có thể vượt qua ngưỡng đa số phiếu từ Hạ viện và Thượng viện trở thành thủ tướng.
Ông Arnon cũng kêu gọi các thượng nghị sỹ bỏ phiếu cho ông Pita trong vòng bầu cử thủ tướng tiếp theo./.