Thái Lan: Hòa bình lâu bền quan trọng với ASEAN-Trung Quốc

Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho biết Thái Lan mong muốn Trung Quốc tiếp tục giữ vai trò đi đầu trong việc thúc đẩy hợp tác về mọi mặt với cộng đồng quốc tế, bao gồm ASEAN.
Thủ tướng Thái Lan nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình lâu bền đối với ASEAN và Trung Quốc để hướng tới quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. (Nguồn: thestar.com.my)

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 24 diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 26/10, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình lâu bền đối với cả hai bên để hướng tới quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho biết, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Prayut nói rằng Thái Lan ủng hộ sự phát triển không ngừng của Trung Quốc và mong muốn Trung Quốc tiếp tục giữ vai trò đi đầu trong việc thúc đẩy hợp tác về mọi mặt với cộng đồng quốc tế, bao gồm cả ASEAN và các nước đang phát triển.

Thủ tướng Prayut cũng chia sẻ quan điểm về việc ASEAN và Trung Quốc nên tăng cường hợp tác như thế nào để giải quyết những thách thức và cùng đạt được các mục tiêu chung trong tương lai.

Theo Thủ tướng Thái Lan, thứ nhất, an ninh y tế là ưu tiên hàng đầu, trong đó cả ASEAN và Trung Quốc cần tiếp tục tăng cường hợp tác để ứng phó với COVID-19 và các dịch bệnh mới có thể xảy ra trong tương lai, đặc biệt tập trung vào nghiên cứu và phát triển (R&D) các loại vaccine và thuốc điều trị an toàn và hiệu quả cũng như việc thành lập các trung tâm sản xuất và phân phối vaccine trong ASEAN.

[Singapore kêu gọi ASEAN sớm phê chuẩn RCEP để hỗ trợ phục hồi kinh tế]

Thứ hai, ASEAN và Trung Quốc nên tập trung vào an ninh kinh tế theo hướng phục hồi bền vững và khả năng phục hồi lâu dài. Thủ tướng Thái Lan cho rằng ASEAN và Trung Quốc sẽ cùng có lợi từ hợp tác hướng tới chuyển đổi số, đặc biệt bằng cách sử dụng các đổi mới và công nghệ số để thúc đẩy các nền kinh tế và gia tăng giá trị cho hàng hóa và dịch vụ, cũng như nâng cao tiềm năng của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), các doanh nghiệp khởi nghiệp và các doanh nhân địa phương, đồng thời tính đến những tác động tiêu cực đối với an ninh mạng.

ASEAN và Trung Quốc cũng nên tiếp tục tăng cường kết nối thông qua Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc về đồng bộ hóa Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN 2025 (MPAC 2025) với Sáng kiến vành đai và von đường (BRI), đồng thời cùng nhau làm việc về các thỏa thuận nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại quốc tế an toàn.

Thứ ba, phát triển bền vững là tâm điểm của những bước tiến vững chắc cùng nhau. Thái Lan, với tư cách là Điều phối viên ASEAN về hợp tác phát triển bền vững, cam kết và sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy các hoạt động trong Năm phát triển pền vững ASEAN-Trung Quốc giai đoạn 2021-2022.

Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng Prayut nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình lâu bền trong bối cảnh diễn biến phức tạp của các tình hình quốc tế và khu vực để ASEAN và Trung Quốc hướng tới quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Thái Lan nhận thấy tầm quan trọng của việc duy trì tính trung tâm của ASEAN và cấu trúc khu vực lấy ASEAN làm trung tâm, không mong muốn xảy ra xung đột hay đối đầu giữa các nước bạn bè và coi trọng đối thoại để tìm ra giải pháp chung cho vấn đề Biển Đông.

Thái Lan sẵn sàng tiếp tục vai trò mang tính xây dựng, đặc biệt trong việc thúc đẩy hợp tác cùng có lợi như bảo vệ môi trường biển, và hoàn toàn ủng hộ việc thực hiện các cơ chế ASEAN-Trung Quốc liên quan, đặc biệt là các cuộc đàm phán nhằm sớm ký kết một Bộ quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục