Thái Lan giảm nhẹ tác động của việc Mỹ đình chỉ ưu đãi thương mại

Bộ Thương mại Thái Lan đưa ra 7 biện pháp, trong đó ưu tiên hàng đầu là tăng xuất khẩu vào Mỹ trong vòng 6 tháng tới trước khi việc dỡ bỏ ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ chương trình GSP có hiệu lực.
Thái Lan giảm nhẹ tác động của việc Mỹ đình chỉ ưu đãi thương mại ảnh 1Hàng hóa được xếp tại cảng ở Bangkok, Thái Lan. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Bộ Thương mại Thái Lan sẽ áp dụng 7 biện pháp nhằm giảm nhẹ tác động của việc Mỹ đình chỉ quy chế ưu đãi miễn thuế đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này.

Quyết định của Mỹ sẽ có hiệu lực từ 25/4/2020, theo đó 573 loại hàng hóa của Thái Lan sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ chương trình Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) và sẽ phải chịu thuế nhập khẩu từ 4-5% với giá trị khoảng 1,5-1,8 tỷ baht ( 50-60 triệu USD) mỗi năm.

Lý do để Mỹ đưa ra quyết định này là do có những lo ngại về quyền lao động ở Thái Lan. Ước tính, các nhà xuất khẩu Thái Lan sẽ thiệt hại 39,2 tỷ baht (1,3 tỷ USD) khi GSP bị dỡ bỏ.

Vụ trưởng Vụ Xúc tiến Thương mại Quốc tế Somdet Susomboon nói với truyền thông sở tại rằng cơ quan này đã chuẩn bị 7 biện pháp nhằm giảm nhẹ tác động từ quyết định nói trên.

Ưu tiên hàng đầu là tăng xuất khẩu vào Mỹ trong vòng sáu tháng tới trước khi việc dỡ bỏ GSP có hiệu lực.

Trong thời gian này, khách hàng Mỹ dự kiến sẽ dự trữ nguồn cung những mặt hàng bị ảnh hưởng, nhất là thực phẩm chế biến, các sản phẩm làm từ cao su và thiết bị điện.

[Mỹ đình chỉ ưu đãi miễn thuế một số hàng hóa Thái Lan]

Theo ông Somdet, Mỹ cũng quyết định khôi phục các lợi ích thương mại đối với 7 mặt hàng của Thái Lan, trong đó có cành hoa lan tươi và bột ca cao. Do đó Vụ Xúc tiến Thương mại Quốc tế sẽ tìm cách mở rộng thị phần của những mặt hàng này.

Một biện pháp khác là tìm những thị trường mới cho những sản phẩm bị ảnh hưởng. Ấn Độ, Bahrain, Qatar, Nam Phi, Nhật Bản, Anh, Liên minh châu Âu và Nga là những mục tiêu tiềm năng.

Do hiện đồng baht nội tệ đang tăng giá, các doanh nghiệp Thái Lan trong ngành công nghiệp nông nghiệp và khu vực thực phẩm chế tạo sẽ được khuyến khích đầu tư vào các công nghệ nhằm tăng tính cạnh tranh hoặc đầu tư vào những nước mà Mỹ có hiệp định thương mại tự do nhằm tiếp cận thị trường Mỹ.

Các biện pháp khác bao gồm tăng cường các hoạt động quảng bá thương mại và xúc tiến xuất khẩu, thúc đẩy việc sử dụng nền tảng thương mại điện tử quốc gia Thaitrade.com và tìm kiếm hợp tác với các công ty thương mại điện tử nhằm tăng cường xuất khẩu và củng cố các thương hiệu của Thái Lan bằng cách duy trì chất lượng và các tiêu chuẩn.

Trong khi đó, quyền Vụ trưởng Vụ Thương mại Quốc tế Kirati Ratchano cho biết sau các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao liên quan vào đầu tháng 11, Chính phủ Thái Lan sẽ dành sáu tháng tới để đàm phán với Mỹ về việc đình chỉ GSP.

Ông Kirati nói rằng Vụ Thương mại Quốc tế đã thông báo với các doanh nghiệp về khả năng đình chỉ GSP từ năm ngoái, đồng thời đã gợi ý các doanh nghiệp bắt đầu tìm kiếm những thị trường mới và tiếp tục cải thiện sản phẩm nhằm duy trì tính cạnh tranh.

Về vấn đề này, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho biết Chính phủ Thái Lan đang cân nhắc tiến hành đàm phán với các đại diện của Mỹ tại Hội nghị Cấp cao ASEAN sắp tới.

Ông Prayut cũng kêu gọi công chúng không đồn đoán về việc tại sao Mỹ quyết định dỡ bỏ những ưu đãi thương mại, nói rằng Mỹ vẫn là một trong số những đối tác thương mại hàng đầu của Thái Lan.

Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, thương mại trong khuôn khổ GSP giữa Thái Lan và Mỹ đạt tổng cộng 4,4 tỷ USD trong năm 2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục