Báo cáo của Trung tâm kiểm soát tình hình dịch COVID-19 (CCSA) của Thái Lan cho biết ngày 28/2 nước này ghi nhận 70 ca nhiễm mới, trong đó có tới 62 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 8 ca nhập cảnh.
Trong 62 ca lây nhiễm trong cộng đồng, ổ dịch Samut Sakhon có 49 ca. Thủ đô Bangkok ngày 28/2 không ghi nhận ca nhiễm mới nào.
Cùng ngày, Thái Lan đã bắt đầu triển khai công tác tiêm chủng ngừa COVID-19. Mũi vắcxin đầu tiên sử dụng vắcxin Sinovac của Trung Quốc và được tiêm cho Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul.
Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Thái Lan đến nay nước này đã ghi nhận 25.951 ca nhiễm, trong đó có 23.181 ca lây nhiễm trong nước và 2.770 ca nhập cảnh.
Tổng cộng 25.128 bệnh nhân đã bình phục và xuất viện, trong khi còn 740 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Có 83 bệnh nhân COVID-19 tại Thái Lan đã tử vong.
Tại Philippines, Bộ Y tế nước này ngày 28/2 thông báo ghi nhận thêm 2.113 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 576.352 ca. Số ca tử vong do COVID-19 tại nước này đã tăng lên 12.318 ca, sau khi có thêm 29 bệnh nhân không qua khỏi trong 24 giờ qua.
[Thái Lan bắt đầu chiến dịch tiêm chủng, Trung Quốc cấp phép vắcxin mới]
Dịch bệnh COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Philippines vào tháng 1/2020. Đến nay, Philippines đã xét nghiệm được hơn 8 triệu người trong tổng số 110 triêu dân ở nước này.
Theo kế hoạch, chương trình tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 của Philippines sẽ bắt đầu từ ngày 1/3, sử dụng vắcxin CoronaVac của công ty Sinovac (Trung Quốc).
Một máy bay quân sự của Trung Quốc chở lô vắcxin CoronaVac đầu tiên đã đến Philippnes ngày 28/2. Đây là số vắcxin Chính phủ Trung Quốc tặng Philippines và là số vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên mà Philippines có được.
Ngoài vắcxin của Trung Quốc, Philippines sẽ triển khai tiêm chủng bằng vắcxin của AstraZeneca được phân phối theo cơ chế COVAX. Dự kiến, lô hàng 525.600 liều vắcxin AstraZeneca sẽ tới Philippines vào ngày 1/3.
Chính phủ Philippines đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70 triệu người dân nước này trong năm nay để sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Đối tượng ưu tiên tiêm chủng gồm nhân viên y tế, cảnh sát và quân nhân.
Cùng ngày, kênh truyền hình NHK đưa tin thủ đô Tokyo của Nhật Bản ngày 28/2 ghi nhận 329 ca nhiễm mới, giảm nhẹ so với 337 ca ghi nhận ngày trước đó.
Nhật Bản đã gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại 6 tỉnh, sớm 1 tuần so với dự kiến. Trong khi đó, thủ đô Tokyo và 3 tỉnh khác vẫn duy trì tình trạng này cho đến đầu tháng 3 tới./.