Thái Lan đăng ký chỉ dẫn địa lý cho nhãn sấy vàng Lamphun tại Việt Nam

Bộ Thương mại Thái Lan hy vọng việc đăng ký thành công chỉ dẫn địa lý cho nhãn sấy vàng Lamphun sẽ giúp tăng xuất khẩu nhãn của Thái Lan sang Việt Nam.
Nhãn sấy vàng Lamphun. (Nguồn: sohuutritue.net.vn)

Thái Lan đã đăng ký thành công chỉ dẫn địa lý (GI) cho nhãn sấy vàng Lamphun tại Việt Nam, nâng số sản phẩm của Thái Lan có đăng ký GI ở nước ngoài lên 8 sản phẩm.

Theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Sinit Lertkrai, Việt Nam đã công bố đăng ký GI cho sản phẩm của Thái Lan vào tháng Tám vừa qua.

Ông Sinit Lertkrai cho hay Bộ Thương mại Thái Lan hy vọng việc đăng ký thành công GI sẽ giúp tăng xuất khẩu nhãn của Thái Lan sang Việt Nam vì nó đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng, cũng như góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân Thái Lan.

GI là một chứng chỉ đặc biệt được sử dụng để xác định xuất xứ của một sản phẩm trên lãnh thổ của một quốc gia, khu vực hoặc địa phương cụ thể có những đặc điểm độc đáo, có thể làm tăng giá trị ở thị trường các nước phát triển.

Có 161 sản phẩm được đăng ký GI ở 77 tỉnh, thành phố của Thái Lan. Trong khi, có 8 sản phẩm của Thái Lan được đăng ký GI ở nước ngoài, trong đó có nhãn sấy vàng Lamphun.

[Thái Lan mong muốn tăng cường quan hệ thương mại với Việt Nam]

Các sản phẩm khác là gạo Thung Kula Rong Hai hom mali, càphê Doi Chaang, càphê Doi Tung và gạo Sangyod Muang Phatthalung ở thị trường Liên minh châu Âu (EU); sợi tơ Isan ở Việt Nam; lụa gấm Lamphun ở Ấn Độ và Indonesia; me ngọt Phetchabun và càphê Doi Tung ở Campuchia.

Các sản phẩm GI của Thái Lan đang được xem xét đăng ký tại thị trường nước ngoài bao gồm gạo Thung Kula Rong Hai hom mali, bưởi Pakpanang Tab Tim Siam và me ngọt Phetchabun ở Trung Quốc; cà phê Doi Tung, cà phê Doi Chaang, me ngọt Phetchabun và dứa Huay Mon ở Nhật Bản; gạo Thung Kula Rong Hai hom mali và gạo Sangyod Muang Phatthalung ở Indonesia.

Vào tháng Tám vừa qua, Thái Lan đã nộp đơn xin cấp GI cho rượu vang sản xuất tại Khao Yai ở châu Âu để gia tăng xuất khẩu rượu vang. Bốn nhà máy rượu ở Khao Yai đã đăng ký chứng nhận: GranMonte Vineyard and Winery, Village Farm, J&J Vineyard và Alcidini.

Theo ông Sinit, Cục Sở hữu trí tuệ cam kết thúc đẩy việc đăng ký các sản phẩm GI của Thái Lan ra nước ngoài, đặc biệt là các sản phẩm nông sản thực phẩm.

Đây được coi là chìa khóa trong sức mạnh mềm của Thái Lan nhằm giúp thu hút khách du lịch đến quốc gia Đông Nam Á này, cũng như tạo việc làm và thu nhập bền vững cho nông dân và doanh nghiệp địa phương.

Trước đó, vào đầu tháng 8/2022, ông Vuttikrai Leewiraphan, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, cho biết Bộ Thương mại đặt mục tiêu nâng doanh số bán các sản phẩm GI bao gồm cả hoạt động xuất khẩu lên hơn 42 tỷ baht (khoảng 1,13 tỷ USD) trong năm nay, so với con số 39 tỷ baht (1,05 tỷ USD) vào năm 2021.

Bộ này đặt mục tiêu phê duyệt đăng ký 22 sản phẩm GI mới trong năm nay, 19 sản phẩm trong số đó đã được đăng ký trong nửa đầu năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục