Các khu vực công và tư nhân của Thái Lan sẽ cần đẩy nhanh việc chuẩn bị và thích ứng với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), bao gồm nghiên cứu các quy định liên quan.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit đã đưa ra tuyên bố trên ngày 15/11 sau khi đại diện cho Thái Lan ký kết RCEP trong một buổi lễ được thực hiện dưới hình thức trực tuyến.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ông Jurin đánh giá ngày 15/11 "là một phần rất quan trọng của lịch sử" vì có một thỏa thuận giữa 15 quốc gia gồm 10 nước ASEAN cùng 5 nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Ông Jurin cũng bày tỏ hy vọng Ấn Độ sẽ tham gia hiệp định này trong tương lai.
[Các quốc gia thành viên đề cao giá trị của Hiệp định RCEP]
Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nhận xét RCEP không chỉ là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, mà còn có đặc trưng về chất lượng và tiêu chuẩn, cũng như tác động tích cực của hiệp định đối với việc nâng cao tính cạnh tranh và làm gia tăng những lợi ích kinh tế cho tất cả các thành viên.
Thủ tướng Prayut tin tưởng ngay khi RCEP có hiệu lực, sự hội nhập kinh tế sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn đầu tư từ các đối tác toàn cầu. Điều này sẽ giúp tất cả các thành viên có năng lực và khả năng phục hồi để quản lý các thách thức kinh tế trong tương lai, đồng thời phục hồi mạnh mẽ sau tác động của đại dịch.
Sau khi ký kết RCEP ngày 15/11, từng quốc gia sẽ thực hiện quy trình phê chuẩn hiệp định.
Để có hiệu lực, phải có 6 nước trong 10 nước thành viên ASEAN và 3 trong số 5 nước còn lại phê chuẩn hiệp định.
Nội các Thái Lan sẽ xem xét thỏa thuận lần cuối trước khi trình Quốc hội thông qua./.