Thái Lan củng cố các mối quan hệ hợp tác với các đối tác châu Âu

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha ngày 20/6 bắt đầu chuyến thăm các đối tác quan trọng hàng đầu của Bangkok tại EU là Anh và Pháp để thúc đẩy quan hệ song phương.
Thái Lan củng cố các mối quan hệ hợp tác với các đối tác châu Âu ảnh 1Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha ngày 20/6 bắt đầu chuyến thăm các đối tác quan trọng hàng đầu của Bangkok tại Liên minh châu Âu (EU) là Anh và Pháp để thúc đẩy quan hệ song phương, đặc biệt là quan hệ hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ và giáo dục.

Tháp tùng ông Prayut là nhiều quan chức cấp cao về ngoại giao và kinh tế cùng một phái đoàn đông đảo các doanh nghiệp lớn của nước này.

Quan hệ giữa Thái Lan và các nước EU đã được cải thiện rõ rệt từ cuối năm ngoái khi EU điều chỉnh cách tiếp cận và khôi phục quan hệ tiếp xúc chính trị với Thái Lan trên mọi cấp độ. Tiếp theo đó là các chuyến thăm chính thức của bộ trưởng ngoại giao các nước Anh, Italy và Pháp sang Thái Lan kể từ tháng Hai vừa qua.

Trọng tâm chuyến thăm của Thủ tướng Prayut tới Anh là thu hút đầu tư vào Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC), một dự án đầy tham vọng của chính phủ đương nhiệm mà Bangkok muốn tận dụng công nghệ khoa học của London trong các lĩnh vực hàng không, giáo dục và an ninh.

Thái Lan cũng được cho là muốn khai thác các kinh nghiệm và công nghệ của Anh trong ngành ngân hàng và tài chính. Hai nước dự kiến thành lập ủy ban chung về hợp tác kinh tế. Những nội dung này đã được thảo luận trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Anh Boris Johnson tới Bangkok hồi tháng Hai vừa qua. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để lãnh đạo hai nước thăm dò khả năng ký kết một thỏa thuận tự do thương mại (FTA) song phương sau khi Anh rời EU.

Với chặng dừng chân tại Pháp, Thủ tướng Prayut sẽ thảo luận với Tổng thống Pháp Emmanuel Marcon về hợp tác kinh tế giữa hai nước. Dự kiến, hai nhà lãnh đạo sẽ chứng kiến lễ ký hợp đồng mua vệ tinh quan sát Theos-II với tổng giá trị lên tới 215 triệu USD. Đây là vệ tinh có thiết kế chủ yếu phục vụ mục đích dân sự, như theo dõi sự phát triển của cây trồng hay tình trạng sạt lở bờ biển v.v.

Mới đây, Hãng hàng không Thai Airways International (THAI) đã ký với tập đoàn Airbus thỏa thuận nghiên cứu cơ hội kinh doanh và hợp tác bảo trì, sửa chữa máy bay cũng như xây dựng trung tâm sửa chữa ở sân bay U-ta-pao với tổng vốn đầu tư ban đầu trị giá 2 tỷ baht (gần 53 triệu USD). Hiện Pháp là nước xuất khẩu lớn thứ 3 sang Thái Lan, sau Đức và Anh, với hơn 50% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu là thiết bị hàng không và không gian vũ trụ.

Dù không được đề cập, nhưng chắc chắc trong chuyến thăm này, các nhà lãnh đạo Thái Lan, Anh và Pháp cũng sẽ thăm dò việc nối lại cuộc đàm phán về FTA giữa Thái Lan và EU. Cuộc đàm phán này đã được khởi động vào năm 2013 nhưng bị đình trệ suốt gần bốn năm qua, sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014.

EU và Thái Lan từng hướng tới ký kết một thỏa thuận toàn diện bao gồm việc cắt giảm thuế quan, các hàng rào phi thuế quan và những vấn đề liên quan thương mại song phương như dịch vụ, đầu tư, mua sắm, các vấn đề pháp lý, cạnh tranh và phát triển bền vững.

Việc khởi động lại cuộc đàm phán FTA, nếu đạt được, sẽ là một bước tiến quan trọng trong quan hệ EU-Thái Lan, hiện được điều chỉnh trong khuôn khổ Hiệp định Hợp tác và đối tác.

Năm 2017, EU là đối tác thương mại lớn thứ tư của Thái Lan. Tổng trị giá thương mại giữa hai bên là 1.300 tỷ baht (hơn 40 tỷ USD). Tổng giá trị xuất khẩu từ Thái Lan sang EU là 22,04 tỷ USD, còn nhập khẩu là 10,08 tỷ USD. EU cũng là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Thái Lan, với tổng vốn đầu tư khoảng 6,73 tỷ USD. Mỗi năm có khoảng 6 triệu lượt du khách châu Âu đến thăm quốc gia Đông Nam Á này.

Một vấn đề khác không được nêu trong thông cáo chính thức nhưng nhiều khả năng sẽ được đề cập trong các cuộc gặp tại London và Paris là chiếc “thẻ vàng” mà EU đã áp đặt đối với ngành xuất khẩu hải sản của Thái Lan.

Bất chấp những nỗ lực của Thái Lan trong vài năm qua nhằm giải quyết vấn đề đánh bắt cá trái phép, không thông báo và không được kiểm soát (IUU), hồi giữa tháng 5, EU quyết định vẫn tiếp tục duy trì áp dụng "thẻ vàng" cảnh cáo Chính phủ Thái Lan. Nếu bị áp đặt "thẻ đỏ," tức lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn vào thị trường lớn này, Thái Lan có thể mất nguồn thu đến 500 triệu USD/năm.

Chuyến thăm của Thủ tướng Prayut cũng diễn ra trong bối cảnh các cường quốc EU muốn nhanh chóng cải thiện quan hệ với chính phủ tại Bangkok sau gần bốn năm lạnh nhạt và đi cùng đó là các cơ hội kinh tế cũng như ảnh hưởng chính trị bị rơi vào tay những đối thủ kinh tế-chính trị khác như Nhật Bản, Trung Quốc.

Kết quả của chuyến thăm này, dù có thể chỉ là một loạt các hợp đồng kinh tế mà thiếu vắng các thỏa thuận hay tuyên bố chính trị, nhưng chắc chắn cũng giúp nâng cao vị thế của chính phủ hiện tại ở Thái Lan và cải thiện quan hệ của Bangkok với các đối tác châu Âu.

Mặt khác, với việc Thái Lan chuẩn bị đảm nhiệm vị trí chủ tịch luân phiên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2019, chuyến thăm châu Âu lần này cũng là sự chuẩn bị quốc tế cho vai trò trên của Bangkok.

Cùng với chuyến thăm của Thủ tướng Prayut tới Mỹ hồi cuối năm ngoái, chuyến thăm hai cường quốc châu Âu lần này cũng có thể được xem là sự chuẩn bị tích cực cho các cuộc đàm phán của Bangkok trên cương vị chủ tịch một tổ chức khu vực đang nổi lên với các cường quốc trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục