Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) đang chuẩn bị thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát dòng tiền ngắn hạn chảy vào nước này, đồng thời tiếp tục nới lỏng dòng vốn chảy ra để đối phó với việc đồng baht đang tiếp tục tăng giá.
Theo biên bản cuộc họp ngày 26/6 của BoT mới được công bố ngày 9/7, Ủy ban Chính sách tiền tệ (MPC) cho rằng việc đồng baht tăng giá nhanh không phản ánh đúng các chỉ số kinh tế cơ bản và có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Thái Lan. Tại cuộc họp, các nhà hoạch định chính sách đã giữ nguyên lãi suất chính ở mức 1,75%.
Biên bản cuộc họp có đoạn viết, tình hình hiện tại của nhiều lĩnh vực cho thấy nền kinh tế Thái Lan sẽ nhạy cảm hơn với sự tăng giá của đồng nội tệ.
MPC nhận thấy cần thiết phải chuẩn bị thực hiện các biện pháp quản lý dòng tiền chảy vào nền kinh tế trong ngắn hạn vào một thời điểm thích hợp cũng như tiếp tục nới lỏng dòng vốn chảy ra nhằm khuyến khích đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, văn bản này không đề cập đến các biện pháp cụ thể sẽ được áp dụng.
[Đồng nội tệ của Thái Lan tăng giá nhanh nhất ở khu vực châu Á]
Trong một phát biểu ngày 8/7, Thống đốc BoT, Veerathai Santiprabhob, cho biết cơ quan này sẵn sàng áp dụng các biện pháp cần thiết nếu “dòng tiền nóng” đang chảy vào nền kinh tế gia tăng một cách bất thường.
Đồng baht của Thái Lan đã tăng khoảng 5,6% so với đồng USD trong năm nay, trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất tại châu Á.
Điều này đã tạo ra nhiều áp lực hơn đối với nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Thái Lan trong thời điểm nhu cầu thế giới đang hạ nhiệt và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang phá vỡ các chuỗi cung ứng toàn cầu.
BoT dự báo tăng trưởng kinh tế trong của Thái Lan năm 2019 sẽ giảm xuống 3,3%, so với mức 4,1% vào năm 2018.
Con số dự báo trên được đưa ra dựa trên kỳ vọng vào sự hồi phục đà tăng trưởng vào nửa cuối năm nay, điều mà các phân tích vẫn đang đặt nhiều dấu hỏi./.