Thái Lan cho phép người dân sử dụng bộ xét nghiệm COVID-19 tại nhà

Trong khi Thái Lan cho phép sử dụng bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh COVID-19 tại nhà thì truyền thông Hàn Quốc cho rằng bộ dụng cụ tự xét nghiệm đang được xem là yếu tố gây ra làn sóng lây nhiễm mới.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 27/4/2021. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Thái Lan (FDA) đã phê duyệt và đăng ký 4 bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh COVID-19 để sử dụng tại nhà.

Ngày 16/7, Tổng thư ký FDA Paisarn Dunkum cho biết sự lây lan nhanh chóng của COVID-19 khiến nhu cầu xét nghiệm ngày càng tăng và người dân phải xếp hàng dài chờ xét nghiệm RT-PCR.

Việc đăng ký các bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh sẽ cho phép người dân dễ dàng phát hiện bệnh, cách ly và được điều trị sớm.

Người dân có thể mua các bộ xét nghiệm tại bệnh viện, tổ chức chính phủ và cửa hàng thuốc.

Ông Dunkum cảnh báo người dân không nên mua các bộ xét nghiệm từ những nguồn khác vì có thể nhận được các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn. Hiện chưa có thông tin về chi phí hoặc khi nào các bộ xét nghiệm sẽ có sẵn để bán cho người dân.

Theo người phát ngôn Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) Apisamai Srirangson, độ chính xác của bộ xét nghiệm kháng nguyên sẽ thấp hơn xét nghiệm RT-PCR, nhưng tốt hơn là không có xét nghiệm nào.

Những người có kết quả dương tính với bộ xét nghiệm kháng nguyên cần liên hệ với các cơ sở y tế địa phương để nhân viên y tế có thể tư vấn cách ly tại nhà hoặc cách ly tại cộng đồng.

Những người có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng có nguy cơ lây nhiễm phải lặp lại các xét nghiệm kháng nguyên 3-5 ngày sau đó, vì nồng độ virus có thể quá thấp để được phát hiện trong lần xét nghiệm đầu tiên.

Về tình hình COVID-19 ở Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á này ngày 16/7 ghi nhận thêm 9.692 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay lên 381.907 ca.

Đây là số ca mắc mới trong ngày cao nhất từ trước đến nay, trong khi chính quyền đang đối phó với làn sóng dịch lớn nhất ở nước này.

Cùng ngày, Thái Lan cũng ghi nhận thêm 67 ca tử vong, nâng tổng số lên 3.099 người không qua khỏi.

Trong bối cảnh số ca mắc tăng mạnh, chính quyền Thái Lan đang xem xét siết chặt hơn các biện pháp hạn chế để khống chế dịch.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 8/7/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong khi đó tại Hàn Quốc, truyền thông nước này cùng ngày 16/7 cho rằng bộ dụng cụ tự xét nghiệm COVID-19 đang được xem là một trong những yếu tố gây ra làn sóng lây nhiễm thứ 4 tại đây.

Điển hình là đã có một số trường hợp phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2 mặc dù trước đó sử dụng bộ dụng cụ tự xét nghiệm COVID-19 cho kết quả âm tính.

Bộ công cụ tự xét nghiệm COVID-19 (COVID-19 Ag Home Test) cho phép người sử dụng tự lấy mẫu xét nghiệm ngay tại nhà và cho kết quả chỉ sau 15-30 phút đã được bán rộng rãi ở Hàn Quốc từ cuối tháng Tư vừa qua.

Đây cũng được xem như một công cụ bổ sung cho phương pháp xét nghiệm PCR bởi cho kết quả nhanh hơn nhiều và thuận tiện hơn khi sử dụng.

Tuy nhiên, theo nhận định của tờ Thời báo Hàn Quốc, độ chính xác của bộ dụng cụ trên vẫn còn nhiều tranh cãi ở thời điểm chuẩn bị được đưa ra thị trường do ít nhạy hơn các xét nghiệm PCR được sử dụng tại các trung tâm sàng lọc.

Ngay từ đầu năm, một nhóm nghiên cứu do Giáo sư y học truyền nhiễm Kim Nam-joong tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul đứng đầu phát hiện ra rằng độ nhạy của một bộ tự xét nghiệm chỉ bằng 17,5% so với thử nghiệm PCR trong khi các nhà sản xuất bộ dụng cụ trên lại cho rằng chúng có độ nhạy trên 90%.

Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia Hàn Quốc chỉ ra rằng việc sử dụng các bộ dụng cụ tự xét nghiệm COVID-19 có thể là một yếu tố góp phần làm bùng phát làn sóng lây nhiễm hiện nay với số ca nhiễm mới hằng ngày vượt 1.000 ca trong 10 ngày liên tiếp.

Các nhân viên y tế cho biết đã có nhiều trường hợp có kết quả dương tính với xét nghiệm PCR nhưng lại nói rằng họ đã có kết quả âm tính trước đó với bộ dụng cụ tự xét nghiệm COVID-19.

Bên cạnh đó, hiện vẫn còn hai yếu tố quan trọng khác là sự lây lan nhanh của biến thể Delta và việc chính phủ vội vàng nới lỏng các quy định giãn cách xã hội.

Giáo sư Kim Mi-na phụ trách phòng thí nghiệm tại Trung tâm Y tế Asan, cho biết: "Đã có nhiều lo ngại kể từ khi bộ dụng cụ tự xét nghiệm COVID-19 được đưa ra thị trường do có độ chính xác thấp."

Các cơ quan y tế Hàn Quốc cũng đang cân nhắc đến khả năng xuất hiện những "nguồn lây lan thầm lặng" như vậy bắt nguồn từ kết quả sai lệch của bộ dụng cụ tự xét nghiệm.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại cho rằng bộ dụng cụ tự xét nghiệm COVID-19 đóng một vai trò hữu ích trong việc tìm kiếm những bệnh nhân không có triệu chứng.

Giáo sư Chon Eun-mi chuyên ngành hô hấp tại Bệnh viện Mokdong thuộc Đại học Nữ Ewha (Hàn Quốc) cho biết bộ dụng cụ tự xét nghiệm COVID-19 đã được sử dụng rộng rãi ở Mỹ và Anh.

Theo Giáo sư Chon Eun-mi, ưu tiên nhất hiện nay của Hàn Quốc là tập trung tăng số lượng xét nghiệm để tìm ra các trường hợp không có triệu chứng càng nhanh càng tốt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục