Thái Lan: Cảnh báo các chính trị gia không được gây hỗn loạn

Hội đồng Quốc gia vì hòa bình và trật tự Thái Lan nhắc nhở các chính trị gia không được âm mưu kích động để tạo thêm hỗn loạn, phá hủy bầu không khí đoàn kết.
Lãnh đạo đảng Pheu Thai Viroj Pao-in, Seriphisut Themiyavet của đảng Ruamthai Seri và Muhamad Noor Matha của đảng Prachachart Wan công bố văn kiện ký kết về việc thành lập liên minh, trong cuộc họp báo tại Bangkok, Thái Lan, ngày 27/3/2019. (Nguồn: AFP/TT

Hội đồng Quốc gia vì hòa bình và trật tự (NCPO) của Thái Lan ngày 27/3 đã phát đi thông điệp cảnh báo rằng hành động của đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) tổ chức họp báo để công bố việc thành lập liên minh tranh quyền lập chính phủ mới không nên là sự việc để dẫn tới chia rẽ xã hội.

Đồng thời, NCPO cũng nhắc nhở các chính trị gia không được âm mưu kích động để tạo thêm hỗn loạn, phá hủy bầu không khí đoàn kết cũng như dừng các hoạt động bôi nhọ, nói xấu các cá nhân, tổ chức.

[Thái Lan: Đảng Palang Pracharat khẳng định có quyền lập chính phủ]

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, phát ngôn viên của NCPO, Đại tá Winatha Suwari khẳng định cuộc bầu cử ngày 24/3 vừa qua hoàn toàn phù hợp với khuôn khổ pháp lý.

NCPO tái khẳng định chịu trách nhiệm đối với sự an toàn của người dân, duy trì hòa bình và trật tự của đất nước để cuộc bầu cử hoàn thành đúng theo khuôn khổ.

NCPO nhấn mạnh việc bầu chọn Thủ tướng hay thành lập chính phủ là vấn đề chính trị, được chiếu theo khuôn khổ đã được quy định trong Hiến pháp cũng như các điều luật liên quan khác.

Bất kỳ đảng phái hay nhóm chính trị nào đang cố gắng thực hiện các hoạt động hay tìm cách giành thế áp đảo chính trị cũng không nên tạo thành sự chia rẽ, gây ảnh hưởng đến bầu không khí hòa bình quốc gia.

NCPO đưa ra lời cảnh báo trên sau khi đại diện các lực lượng chính trị phản đối chính quyền đương nhiệm tại Thái Lan, đứng đầu là đảng Pheu Thai ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra sáng 27/3 đã công bố việc thành lập liên minh tranh quyền lập chính phủ mới.

Các chính đảng tham gia liên minh với Pheu Thai gồm Pheu Chart, Tương lai mới (Future Forward), Seri Ruam Thai, Pracha Chart, đảng Nền Kinh tế mới (New Economy) và đảng Quyền lực Nhân dân Thái (Thai People Power).

Chiều cùng ngày, đảng Palang Pracharat (Quyền lực nhà nước nhân dân) ủng hộ Thủ tướng Prayut Chan-ocha đã tuyên bố rằng phe đối lập do đảng Pheu Thai dẫn đầu không có quyền đứng ra lập liên minh để thành lập chính phủ sau bầu cử, đồng thời khẳng định đảng này mới là đảng chính trị đủ tư cách làm điều đó vì giành nhiều phiếu bầu của cử tri hơn trong cuộc bỏ phiếu vừa qua.

Phát biểu với các phóng viên, người phát ngôn của Palang Pracharat, ông Thanakorn Wangboonkongchana nhấn mạnh: “Chúng tôi có quyền hợp pháp để thành lập chính phủ đa số ủng hộ Đại tướng Prayuth Chan-ocha làm thủ tướng mới. Điều quan trọng hơn là chúng tôi đã giành nhiều phiếu bầu nhất, khoảng 8 triệu phiếu. Đó là ý muốn của cử tri để Đại tướng Prayut Chan-ocha lên làm thủ tướng."

Trong khi đó, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwon cũng tuyên bố rằng bất kỳ việc thành lập chính phủ nào cũng phải được thực hiện sau lễ đăng quang của Nhà vua Maha Vajiralongkorn và sau khi Ủy ban bầu cử công bố kết quả chính thức, dự kiến vào ngày 9/5 tới.

Phó Thủ tướng phụ trách pháp lý Wissanu Krea-ngam cũng nói rằng việc đảng Pheu Thai và 6 đảng khác thành lập liên minh không có ý nghĩa thực tế mà chỉ là một thủ thuật tâm lý.

Theo kết quả chưa chính thức công bố ngày 25/3 vừa qua, trong số 350 ghế tại Hạ viện được trực tiếp bầu từ các “đơn vị bầu cử,” đảng Pheu Thai giành được 137 ghế, trong khi đảng Palang Pracharat được 97 ghế.

Đảng Bhumjaithai, vốn công khai không đứng về phe nào, giành được 39 ghế. Đảng Dân chủ, tuyên bố không liên minh với Pheu Thai, giành được 33 ghế. Đảng Tương lai mới được 30 ghế và các đảng còn lại nắm 14 ghế.

Sự phân bổ 150 ghế còn lại của Hạ viện theo danh sách đề cử của các đảng thực hiện theo một công thức phức tạp dựa trên tổng số lượng phiếu bầu và phần phiếu mà mỗi đảng giành được.

Công thức này chia tổng số phiếu bầu trên toàn quốc cho 500 số ghế ở Hạ viện để lấy được tỷ lệ đổi cho mỗi ghế mà các đảng sẽ nhận được.

Quang cảnh buổi họp báo của Pheu Thai và các đảng liên minh. (Ảnh: Sơn Nam/TTXVN)

Sự phân bổ này sẽ không được công khai cho đến khi Ủy ban Bầu cử đưa ra các kết quả không chính thức, dự kiến vào ngày 29/3 tới, theo đó sẽ công bố tổng số phiếu bầu và số phiếu phân bổ cho mỗi đảng.

Tuy nhiên, những con số cuối cùng phải đến ngày 9/5 mới được đưa ra sau khi các kết quả chính thức được công bố.

Do đảng Pheu Thai đã giành được 137 ghế tại đơn vị bầu cử, họ có thể vượt số ghế “giới hạn” của mình và vì vậy sẽ không thể có thêm ghế nào được phân bổ.

Trong khi đó, Palang Pracharat chỉ có 97 ghế từ các đơn vị bầu cử, và do họ cũng đang dẫn đầu số phiếu phổ thông trên toàn quốc, nên có thể  giành thêm 15 đến 25 ghế nữa theo phân bổ.

Với con số giành thêm này, Palang Pracharat đã bám rất sát số lượng 126 ghế cần thiết để bầu cho ông Prayuth tiếp tục làm thủ tướng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục