Thái Lan, Campuchia ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2

Thái Lan ngày 29/3 ghi nhận thêm 143 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và thêm một trường hợp tử vong trong khi Campuchia ghi nhận thêm 1 ca nhiễm mới.
Kiểm tra thân nhiệt tại hành khách ở thủ đô Bangkok, Thái Lan nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 29/3, Campuchia ghi nhận thêm một ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên thành 103 người, trong khi Campuchia chuẩn bị thắt chặt yêu cầu nhập cảnh cho công dân nước ngoài nhằm tránh virus lây lan.

Theo Bộ Y tế Campuchia, ca nhiễm mới SARS-CoV-2 là một phụ nữ 30 tuổi, làm việc trong một quán karaoke tại tỉnh Banteay Meanchey ở Tây Bắc nước này. Hiện có tổng cộng 21 bệnh nhân đã hồi phục kể từ tháng Một.

Bộ Ngoại giao Campuchia ngày 28/3 cho biết đã hủy dịch vụ cấp thị thực tại chỗ cho công dân nước ngoài trong vòng một tháng, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 30/3 nhằm tránh sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.

Các công dân nước ngoài muốn tới Campuchia cần phải xin cấp thị thực trước ở nước ngoài và phải có giấy chứng nhận y tế không dương tính với SARS-CoV-2. Ngoài ra, những người này cũng phải chứng minh có bảo hiểm y tế trị giá ít nhất 50.000 USD.

Thái Lan ngày 29/3 ghi nhận thêm 143 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và thêm một trường hợp tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm lên 1.388 bệnh nhân và tổng số ca tử vong là 7 người.

[Thế giới có hơn 662.000 người mắc COVID-19, 1 trẻ sơ sinh ở Mỹ tử vong]

Trong khi đó, kết quả thăm dò dư luận do Đại học Suan Dusit Rajabhat thực hiện công bố ngày 29/3 cho thấy phần lớn người dân Thái Lan thu được hầu hết thông tin về COVID-19 từ mạng xã hội, nhưng coi truyền hình là nguồn tin cậy nhất.

Cuộc thăm dò này được thực hiện từ ngày 25-28/3 đối với 1.033 người trên khắp đất nước để tập hợp ý kiến về những tin tức lan truyền trên rất nhiều loại báo chí, kể cả tin giả. Có tới 79,30% số người được hỏi nói rằng họ thu được thông tin về COVID-19 từ mạng xã hội, trong đó có Facebook, Twitter, Instagram và các trang web, trong khi 77,05% từ truyền hình; 60,69% từ truyền miệng; 45,52% từ các văn bản giấy kể cả báo chí và các tuyên bố chính thức; và 44,73% từ các tin nhắn SMS.

Tuy nhiên, hầu hết số người trả lời (89%) nói rằng họ dựa nhất vào truyền hình, trong khi 63,09% nói là các văn bản giấy như báo chí và các tuyên bố chính thức; 56,23% đài phát thanh; 53,72% mạng xã hội trực tuyến như Facebook, Twitter, Instagram và các trang web; và 42.98% là truyền miệng.

Khi được hỏi làm thế nào để phân biệt giữa tin giả và tin thật, 41,08% nói họ xem xét sự tin cậy của các nguồn thông tin; 32,22% cho biết họ thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau; 22,96% trả lời họ phân tích tất cả các tin tức dựa trên lý lẽ; 20,10% nói họ thường chờ thông tin từ các cơ quan chính phủ hoặc liên quan; và 16,95% trả lời họ dựa nhiều vào báo chí chính thống hơn là mạng xã hội.

Trước đó, Chính phủ Thái Lan ngày 28/3 cảnh báo việc người dân không thực hiện giãn cách xã hội sẽ làm cho dịch COVID-19 tiếp tục lây lan.

Theo người phát ngôn Trung tâm quản lý COVID-19 Taweesin Visanuyothin, nếu chỉ có 70% người dân hợp tác, các ca lây nhiễm mới sẽ tiếp tục tăng, trong khi với 80% hợp tác, số lượng sẽ dần giảm xuống và nếu 90% người dân hợp tác thì sẽ giảm rõ rệt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục